Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ly kỳ và phức tạp vụ cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ, Hà Nội

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gỗ sưa đỏ thuộc nhóm 1A có giá trị kinh tế và mùi thơm thoang thoảng như hương trầm. Không chỉ vậy, gỗ sưa còn có vân ở cả bốn mặt và chẳng mấy khi bị mối, mọt. Chính sự đặc trưng này khiến 9 năm qua hai cây sưa đỏ khoảng 200 năm tuổi được người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trồng trong Chùa Vĩnh Phúc chặt hạ, bán lấy tiền xây dựng công trình phúc lợi đã trở thành tiêu điểm luận bàn.

 
 Một trong hai cây gỗ sưa đỏ trong Chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính khi chưa bị chặt hạ
Bài 1: Bán nửa cây sưa xây công trình phúc lợi
 Trở lại năm 2010, sau khi viết đơn đề nghị chính quyền địa phương rồi tiến hành chặt hạ nửa cây sưa đỏ ở Chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính và sau nhiều buổi người dân cùng các cụ cao tuổi họp, thống nhất chốt lại giá bán nửa cây sưa 2,506m3 là 20,5 tỷ đồng. Nhưng chiều 25/10/2010, khi đang vận chuyển lô gỗ ra khỏi địa bàn thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ.  
 Bán sưa để đầu tư công trình phúc lợi
 Do địa phương có nhiều công trình phúc lợi đã xây dựng từ hàng chục năm qua đang bị xuống cấp cần phải tu sửa. Mặt khác, cuối tháng 7/2010, khi các cụ đang tế, lễ ở chùa bỗng có một cành cây sưa bị gãy rơi xuống sân nhưng may không vào ai. Từ đây, các cụ cao tuổi, cán bộ thôn và người dân đã họp bàn, rồi đi đến thống nhất viết đơn xin UBND xã cắt những cành mục, bị sâu trước mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, xin chặt hạ nửa cây cao 30m để lấy tiền trả nợ xây dựng Đình Phụ Chính và tu sửa các công trình khác trong thôn.
 Qua đó, ngày 13/9/2010 cán bộ thôn cùng các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ nửa cây gỗ sưa rồi cưa thành nhiều khúc và được UBND xã xác nhận nguồn gốc để Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ lập biên bản, kết luận số gỗ sưa có nguồn gốc hợp pháp, đủ điều kiện đưa đi tiêu thụ rồi đóng búa kiểm lâm sáng 25/10/2010. Chiều cùng ngày, khi xe ô tô đang vận chuyển 2,506m3 gỗ sưa ra khỏi địa bàn, bỗng nhiên Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, thu giữ và mời chủ mua lô gỗ là ông Dương Văn Thái, xóm Bằng, phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) về trụ sở Công an huyện để giải quyết.
 Tuy nhiên, trước thời điểm xảy ra sự việc Công an huyện bắt giữ lô gỗ sưa, các cụ cao tuổi cùng cán bộ thôn và người dân địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp đưa ra phương án thống nhất chặt hạ nửa cây sưa với mục đích bán lấy tiền đầu tư xây công trình phúc lợi phục vụ Nhân dân. Đồng thời, cán bộ thôn và các cụ đã viết đơn gửi UBND xã xin chặt hạ nửa cây sưa. Cho đến ngày 13/9/2010, việc chặt hạ cây mới được tiến hành. Sau đó, ngày 16/9/2010, tổ công tác của Công an huyện Chương Mỹ còn về làm việc với UBND xã để nắm bắt tình hình nhưng không tiến hành thu giữ gỗ. Nhưng đến ngày 25/10/2010, khi ông Thái làm xong thủ tục bàn giao, chuyển tiền cho các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính rồi vận chuyển gỗ ra bên ngoài mới bị bắt giữ, từ đó đã gây ra những uẩn khúc khó hiểu(?)
 Ngày 27/1/2019, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính tiến hành chặt hạ hai cây gỗ sưa đỏ
.
 Mập mờ đúng, sai
 Tại thời điểm xảy ra vụ việc, nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ Nguyễn Danh Sáu khẳng định: Ngày 20/9/2010, Hạt đã cử tổ công tác xuống Chùa Vĩnh Phúc lập biên bản đo khối lượng và xác định 28 khúc gỗ sưa có nguồn gốc hợp pháp, đủ quy cách đóng dấu búa kiểm lâm để các cụ đem đi tiêu thụ. Ông Sáu viện dẫn việc thi hành đúng luật của tổ công tác thể hiện ở văn bản số 3419/BNN-KL ban hành ngày 12/12/2007 về hướng dẫn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng nhóm 1A: “Trường hợp tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư trồng trong vườn, trồng phân tán thì chủ lâm sản có quyền tự quyết định việc khai thác”. Do vậy, việc Hạt xác nhận tính hợp pháp nguồn gốc lô gỗ sưa các cụ khai thác là chuyện rất bình thường.
Bất bình trước việc làm tắc trách của Công an huyện Chương Mỹ, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính đã họp bàn, thống nhất viết đơn gửi đến các cấp, ngành đề nghị cơ quan chức năng của TP và TƯ sớm vào cuộc làm rõ đúng, sai. Đặc biệt, khi số tiền 20,5 tỷ đồng có được từ việc bán gỗ do 4 cụ cao tuổi thôn Phụ Chính đại diện đứng tên gửi vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đang bị phong tỏa.
Phía Công an huyện Chương Mỹ sau nhiều tháng “ngâm hồ sơ” vụ án đã không củng cố được chứng cứ phạm tội đối với tập thể, cá nhân liên quan đến vụ chặt hạ 2,506m3 gỗ sưa. Mặt khác, xác định đây là vụ án “khủng” vượt quá thẩm quyền giải quyết, nên đã báo cáo rồi chuyển hồ sơ cho Công an TP Hà Nội. Sau khi tiếp nhận, Công an TP Hà Nội chuyển hồ sơ cho PC46 điều tra, củng cố chứng cứ phạm tội. Xét thấy tính chất phức tạp của vụ việc, ngày 18/4/2011, PC46 lại gửi công văn số 1758 CV/PC46(Đ9) cho UBND huyện Chương Mỹ và Tổng cục Lâm Nghiệp đề nghị xác định nguồn gốc lô gỗ sưa đã bị chặt hạ.
Qua đó, ngày 25/5/2011, Tổng cục Lâm Nghiệp đã có văn  bản số 668/TCLN-KL và ngày 13/6/2011, UBND huyện Chương Mỹ cũng có văn bản 294/UBND-TH phúc đáp PC46 có nội dung trùng khớp nhau: “Hai cây gỗ sưa trong khuôn viên Chùa thôn Phụ Chính là hai cây trồng phân tán, nguồn vốn không do Nhà nước đầu tư, do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chăm sóc, bảo vệ qua nhiều thế hệ. Do vậy, việc khai thác, sử dụng gỗ sưa do cộng đồng thôn Phụ Chính có quyền tự quyết định”. Chính điều này đã lóe lên tia hy vọng cho người mua và bán gỗ con đường đi tìm công lý. (Còn nữa)