Lý trí chế ngự tình cảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa nguôi ngoai nỗi hậm hực về việc chính phủ Anh quyết định tham gia Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), Mỹ đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi chính phủ Đức, Pháp và Italia đồng loạt bộc lộ ý muốn tham gia AIIB.

Mỹ không thể không thấy cay đắng khi vừa mới đây thôi, chính phủ các nước này còn phê phán quyết định nói trên của chính phủ Anh.

 
Lý trí chế ngự tình cảm - Ảnh 1

 
AIIB được 21 quốc gia thỏa thuận thành lập hồi tháng 10 năm ngoái trên cơ sở sáng kiến của Trung Quốc. Khi ấy, Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác nhìn nhận AIIB là một đối thủ cạnh tranh đối với những thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế mà cho tới nay gần như vẫn bị họ kiểm soát trong thực chất là WB, IMF và ADB. Họ đồng thời còn lo ngại khả năng Trung Quốc sử dụng AIIB mà Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn nhờ cam kết đóng góp phần tài chính lớn nhất làm công cụ để mở rộng phạm vi ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị thế giới.

Những đồng minh và đối tác chiến lược nói trên của Mỹ ở châu Âu không phải không coi trọng quan hệ truyền thống với Mỹ. Nhưng trong chuyện này thì rõ ràng họ đã không để tình cảm lấn át lý trí. AIIB hiện chưa đi vào hoạt động nhưng có thể thấy khó ngăn cản được sự ra đời của những thể chế tài chính và tiền tệ mới trên thế giới, nhất là khi WB và IMF ngày càng thêm bị hạn chế về khả năng tài chính và suy giảm ảnh hưởng do trì trệ trong cải cách thể chế và tổ chức. WB, IMF và ADB không có đủ khả năng tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nước về phát triển cơ sở hạ tầng nên không có gì lạ khi các nước phải tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ nơi khác. Các nước nói trên lại có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác phát triển quốc tế, có nhu cầu lớn trong tranh thủ Trung Quốc và không thể vì Mỹ mà để mất những lợi ích lâu dài ở thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.