“Make in Vietnam” để Việt Nam cường thịnh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau một năm thực hiện khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", đã có hơn 13.000 DN số ra đời, nâng tổng số DN dạng này lên con số gần 60.000 DN với doanh thu ước tính 120 tỷ USD.

 Các đại biểu tham quan triển lãm bên lề hội nghị. Ảnh: Công Hùng
Không vì thách thức mà bỏ qua cơ hội
Trong thư gửi tới cộng đồng các DN công nghệ số Việt Nam tại Diễn đàn phát triển DN công nghệ số Việt Nam năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Cộng đồng DN số có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và đến nay cộng đồng DN công nghệ số đã có bước phát triển mạnh mẽ với gần 60.000 DN với doanh thu ước tính 120 tỷ USD. Đây là một động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam phát triển.

Thủ tướng cũng nhận định, trong xu thế hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi đôi với nhiều cơ hội phát triển, các DN công nghệ số Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh, nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Do đó, Chính phủ sẽ tích cực hoàn thiện thể chế, pháp luật và xây dựng, triển khai các chiến lược phù hợp, cơ chế, chính sách thông thoáng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển, đặc biệt là các DN công nghệ số.

“Để hoàn thành mục tiêu phát triển 100.000 DN công nghệ số Việt Nam vào năm 2030, cộng đồng DN công nghệ số cần phải đi tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế số để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Với nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mục tiêu 100.000 DN công nghệ số hoàn toàn có thể đạt được trước thời hạn năm 2025 nếu như khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam" tiếp tục triển khai mạnh mẽ như trong hơn một năm trở lại đây. Hiệu quả đã rất rõ ràng khi chỉ trong năm 2020, với Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng về phát triển DN công nghệ số Việt Nam, chúng ta đã có thêm 13.000 DN dạng này ra đời, tăng 28% so với quãng thời gian trước.

Không chỉ về số lượng DN số, "Make in Vietnam" còn giúp có thêm nhiều sản phẩm sáng tạo được làm ra tại Việt Nam, thay vì nhận gia công, lắp ráp như trước kia. Có thể kể đến những sản phẩm như Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ ... Có thể khẳng định, Việt Nam thuộc top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19.

Bên cạnh đó, 2020 cũng là năm Việt Nam đã tạo ra một bất ngờ lớn khi trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được việc này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh để "Make in Vietnam" có thể hoàn thành sứ mạng của mình, DN công nghệ số sẽ đóng vai trò cốt lõi và đây là một chặng đường dài, có thể lên đến hàng chục năm. DN số phải làm chủ được công nghệ, bởi nếu Việt Nam muốn đi trước các nước phát triển thì phải đứng trên vai người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, phần mềm nguồn mở để các cá nhân, DN tham gia sáng tạo giá trị mới sẽ giúp Việt Nam phát triển thành quốc gia công nghệ.

“Không "Make in Vietnam" thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, không thể đi ra thế giới; không thể tự cường và khó có thể cường thịnh”- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Con đường "Make in Vietnam" của doanh nghiệp Việt

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều DN công nghệ số đã chia sẻ về quá trình chuyển đổi trạng thái từ mô hình kinh doanh đơn thuần sang mô hình số và những thành quả tích cực có được từ sự chuyển mình mang tính cách mạng này.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Thanh Nam, yếu tố mang tính quyết định giúp đơn vị này trở thành tập đoàn công nghệ - viễn thông hàng đầu Việt Nam chính là chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã biến một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989 sau hơn 30 năm trở thành thương hiệu viễn thông đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới với doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40.000 tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, Viettel vẫn đạt mức tăng trưởng với việc triển khai các dịch vụ mới, đơn cử như dịch vụ khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, với quy mô 1.000 điểm trong 2 tháng, tiến tới sẽ mở rộng tới 4.000 cơ sở y tế cấp xã phường, góp phần quan trọng vào phòng chống dịch bệnh.

Có cùng quan điểm về chuyển số, người đứng đầu Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình khẳng định: Điều này đã thể hiện rõ trong khát vọng của FPT suốt 20 năm qua là làm chủ và sáng tạo công nghệ, từ đó giúp Việt Nam hiện diện rõ nét trên bản đồ công nghệ thế giới. Chính khát vọng này đã giúp FPT từ một DN nhỏ, không có khách hàng nào thành một Tập đoàn có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều DN Top đầu thế giới. FPT hiện đã vươn lên trở thành một trong những DN công nghệ lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.

Đón nhận làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khá sớm, bắt đầu từ 2017, FPT đã bắt đầu với robot tự động hoá, một trong những lĩnh vực khó khăn và cũng nóng nhất của chuyển đổi số. Tới hiện tại, FPT đã xây dựng được 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ giúp DN tự động hoá quy trình. Đã có 50 DN lớn trên thế giới đặt mua akabot của FPT và đây cũng là sản phẩm nằm trong Top 6 công nghệ hay nhất thế giới.

Lợi thế hiện tại của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng nên có thể bỏ qua quá trình trung gian, đi thẳng lên chuyển đổi số. Không chỉ DN công nghệ thông tin mà các startup cũng đều dễ dàng xây dựng những sản phẩm cho người dùng và Chính phủ. “Với việc nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương với nhiều quốc gia phát triển, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam, thậm chí là cho cả các quốc gia khác”- ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ TT&TT đã trao giải thưởng sản phẩm số "Make in Vietnam" cho 14 sản phẩm công nghệ do DN trong nước sáng tạo. Giải thưởng được phân theo 5 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc; Giải pháp số xuất sắc; Nền tảng số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số và Sản phẩm số tiềm năng.
Việc đưa AI vào lĩnh vực y tế sẽ mang lại hiệu quả lớn khi loại trừ được chuẩn đoán sai, từ đó nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị. Hiện lĩnh vực này ngay cả trên thế giới cũng chưa được đầu tư rõ nét, đây là cơ hội cho các DN Việt Nam. Để làm được điều này, dự án AI cần có sự hậu thuẫn của Chính phủ, bộ, ngành trong chia sẻ dữ liệu, từ đó tạo ra những ứng dụng công nghệ cao cho nền y tế trong nước.

Tổng Giám đốc VinBrain Trương Quốc Hùng
Là một ngân hàng non trẻ (thành lập 2008), ngay từ những ngày đầu, TPBank đã định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số thay vì cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng lớn, lâu đời. Với hướng đi này, hiện TPBank đã thu được những thành tựu nhất định khi đang là 1 trong 10 ngân hàng thương mại Việt Nam mạnh nhất về chất lượng.

CEO TPBank Nguyễn Hưng