"Biến" mạng xã hội thành báo điện tử
Trong một cuộc họp mới đây, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép hoạt động.
Một trang mạng xã hội không phép bị nhà chức trách yêu cầu ngừng hoạt động vào năm 2016. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Tuy nhiên, qua thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiết lập mạng xã hội, nhà chức trách cho rằng có nhiều điểm cần lưu ý.
Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Nghị định 27/2018 diễn ra sáng 22/5, ông Do cho biết một số trang lách luật, sản xuất tin, bài và đăng tải dưới hình thức các thành viên. Thậm chí, có mạng xã hội thiết kế giao diện, phân thành các chuyên mục không khác gì báo điện tử, gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Điều này, theo nhà chức trách, "thực chất là hoạt động báo điện tử không phép, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 5 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản".
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được dùng chung một tên miền để phân biệt rõ ràng, không mập mờ, lẫn lộn. Thế nhưng, thực tế cho thấy một số mạng được xã hội được cấp phép vẫn cung cấp cả thông tin điện tử tổng hợp, cho đăng nhiều bài viết được dẫn nguồn từ nhiều cơ quan báo chí.
Với hình thức này, mạng xã hội đang hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, vi phạm quy định tại Nghị định 174 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Cung cấp dịch vụ không phép
Kiểm tra cũng cho thấy, một số doanh nghiệp đã lợi dụng giấy phép mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ không phép, trong đó phổ biến là dịch vụ truyền hình trên mạng hoặc cung cấp các dịch vụ vi phạm pháp luật về bản quyền như xem phim trực tuyến, nghe nhạc trực tuyến.
Theo quy định, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện đăng ký, lưu giữ đầy đủ thông tin cá nhân của các thành viên gồm: ngày, tháng năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ email. Trong trường hợp người dùng dưới 14 tuổi và chưa có hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp quyết định đăng ký thông tin cá nhân của mình thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm với việc đăng ký đó.
Thế nhưng, thực tế thì một số mạng xã hội không thực hiện đúng quy định này mà cho phép thành viên đăng ký thông qua tài khoản Facebook; qua đầu số của thuê bao di động; cho người dưới 14 tuổi đăng ký thành viên nhưng không có sự giám hộ hợp pháp…
Cùng lúc, trên nhiều trang mạng xã hội có giấy phép hoạt động còn thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục, dung tục, phản cảm, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác…
Ngoài ra, một số mạng xã hội chưa xây dựng hệ thống cảnh báo để người sử dụng thông báo khi phát hiện thông tin vi phạm.
Ông Lê Quang Tự Do lưu ý, các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương cần tập trung vào những điểm sai phạm nói trên để thanh tra, đặc biệt là việc đội lốt thành viên báo điện tử (xảy ra nhiều với các mạng xã hội về kinh tế, chứng khoán).
Với việc cung cấp dịch vụ sai phạm, ông Do nói tới đây cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm.
Để chấn chỉnh hoạt động của mạng xã hội, ông Do cho hay, nhà chức trách vừa xử lý một số doanh nghiệp xin giấy phép mạng xã hội chia sẻ video clip của người dùng nhưng lại chia sẻ phim vi phạm bản quyền. Trường hợp các doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép…