Mạnh tay đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự dễ dãi của người tiêu dùng và việc thực thi pháp luật của lực lượng chức năng chưa nghiêm... khiến nhiều DN làm ăn chân chính phải điêu đứng, phá sản bởi nạn hàng giả, hàng nhái.

Bán tràn lan hàng giả
Tại các chợ Hôm, Đồng Xuân, Phùng Khoang, Nhà Xanh... không khó để tìm mua được sản phẩm nhái các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới bán với giá rẻ. Chỉ cần bỏ ra 200.000 - 500.000 đồng là có thể sở hữu một bộ trang điểm hàng hiệu Shiseido, Lancome, Ohui, Dior, Laneige, Chanel, Gucci... với đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem nền... Trong khi đó, để có thể mua được một sản phẩm chính hãng giá phải đắt gấp từ 5 - 10 lần.

"Một trong những khó khăn trong công tác chống hàng giả, nhái là do ban quản lý các chợ chưa quyết tâm trong quản lý ngăn chặn và phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Các đối tượng bày bán hàng giả công khai nhưng không bị nhắc nhở, xử lý, nên họ tiếp tục có hành vi vi phạm." - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên

Đối với mặt hàng quần áo, giày dép giả nhãn hiệu Tomy, Nike, Adidas, Lacoste... được bán với giá từ 120.000 - 200.000 đồng/chiếc. Các loại mắt kính, ví, đồng hồ giả các nhãn hiệu Chanel, Gucci, LV, Goyard, Rolex, Omega, Prada, Hermes, Tissot bán với giá từ vài chục nghìn đến 500.000 đồng/chiếc... Một số chủ kinh doanh mỹ phẩm, thời trang tại hệ thống chợ truyền thống cho biết, khách hàng hoàn toàn an tâm chất lượng, giá cả vì ở đây vừa bán lẻ, vừa bán buôn.

Nhận định về thực trạng hàng giả bán tràn lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết: Để “qua mắt” lực lượng chức năng, dân buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả thường đăng ký xin phép lưu hành đối với lô mỹ phẩm nhập khẩu đầu tiên, sau đó đặt hàng tại nước ngoài sản xuất với chất lượng thấp, giá thành rẻ hơn và sử dụng giấy phép lưu hành đã được cấp từ trước để tiêu thụ.
QLTT Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm giả mạo nhãn mác tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Lê Nam
Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà còn có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nhiều tiểu thương chạy theo lợi nhuận nên bất chấp xử phạt vẫn buôn bán hàng giả.

Vì sao hàng giả có “đất sống”?

Việc hàng giả, nhái đang tung hoành do công tác kiểm tra xử lý chưa sâu sát. Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng: Sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành, UBND quận, huyện, phường xã chưa đồng bộ, công tác quản lý tại các chợ chưa quyết liệt, chặt chẽ dẫn đến tình trạng hàng giả, nhái vẫn bày bán công khai. Mặt khác, lý do khiến hàng giả có “đất sống” chính là bởi người tiêu dùng chấp nhận sử dụng hàng giả.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT Hà Nội kiến nghị: Trong thời gian tới, trong quy chế phối hợp phải xác định rõ ràng trách nhiệm của các lực lượng. Cụ thể như, nếu sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm mà các cơ sở kinh doanh còn tái phạm thì không chỉ các cơ sở này phải chịu trách nhiệm mà Ban quản lý chợ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó UBND các quận, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng giả tới người dân, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh để hàng giả không còn “đất sống”.

"Hiện 90% người tiêu dùng Việt Nam biết mình đang sử dụng các loại hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận do nhu cầu sử dụng của bản thân. Điều này xuất phát từ tâm lý thích xài hàng ngoại, thích đồ hiệu bất chấp đó là hàng giả hay nhái, chưa kể hàng giả có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng hiệu." - Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra (Bộ KH&CN) Đỗ Thị Minh Thủy