Mạnh tay xử lý nạn mua bán hóa đơn

Ánh Xuân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng tình trạng mua bán trái phép hóa đơn vẫn diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô sai phạm ngày càng lớn. Những vi phạm nêu trên không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ngân sách Nhà nước thiệt hại nặng
Tháng 9/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Văn Phát cùng 6 đồng phạm về tội ''Mua bán trái phép hóa đơn''. Sự kiện gây xôn xao dư luận thời điểm đó, bởi Ngô Văn Phát được biết đến là một đại gia trong giới kinh doanh xăng dầu với nhiều biệt thự, lâu đài nguy nga tại Thái Bình, Hải Phòng.

Theo Cục Thuế Hải Phòng, từ năm 2012, ông Ngô Văn Phát đã thành lập 14 DN. Sau đó, 13 DN đều đã ngừng hoạt động hoặc không hoạt động tại địa bàn đã đăng ký. Vị đại gia này bị cáo buộc đã có hành vi buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng với giao dịch hơn 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là vụ mua bán trái phép hóa đơn nghìn tỷ thứ 4 mà Công an TP Hải Phòng triệt phá được trong chưa đầy 5 tháng (5/2020 - 9/2020). Tổng giá trị hóa đơn ước tính khoảng 13.000 tỷ đồng.
 Làm thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Việt Dũng
Ngành thuế cho biết, những năm qua đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Cụ thể, năm 2019 chuyển 135 trường hợp, năm 2020 là 162 trường hợp. Ngoài 4 vụ đã nêu ở Hải Phòng, một số vụ việc vi phạm điển hình có thể kể đến như: Công ty TNHH Junma Phú Thọ; 4 DN tại Hà Nội là Công ty TNHH xuất nhập khẩu EUROPA, Công ty TNHH TM & Xuất nhập khẩu An Khánh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu & TM dịch vụ Minh Hải, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu & TM Gia Bảo…

Giám đốc Công ty Luật ICC Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng nhận định, hành vi mua bán trái phép hóa đơn không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt có thể là phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù với mức thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 5 năm" - luật sư Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhằm đấu tranh với loại hình tội phạm trên, trong các năm qua, cơ quan thuế các cấp đã thường xuyên đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra DN có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý thuế đã được thực hiện như: Tổ chức nhận dạng DN có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp; Giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn theo chế độ quy định; Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán với ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý và thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan quản lý Nhà nước khác, theo dõi qua đơn thư tố cáo, phương tiện thông tin truyền thông... cũng đang được ngành thuế chú trọng. Ngoài ra, ngành thuế tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại mà người nộp thuế giao dịch, đề nghị cung cấp thông tin về giao dịch, chứng từ thực tế thanh toán qua ngân hàng để làm cơ sở xử lý về thuế, thanh tra, kiểm tra các trường hợp người nộp thuế có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trốn thuế, mua bán hóa đơn, xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn ngành tập trung rà soát, giám sát các DN có rủi ro cao về hóa đơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Ngành thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời.

"Việc triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử không chỉ mang lại những lợi ích cho DN, mà còn giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế. Hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển." - Kế toán trưởng Công ty TNHH TM& xuất nhập khẩu A&T Việt Nam Trần Thùy Anh