Mất an toàn vệ sinh lao động ở làng nghề mộc Phúc Thọ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ, hầu như xã nào cũng có hộ làm nghề mộc, tập trung nhiều nhất ở Long Xuyên, Hát Môn, Thọ Lộc…

 Một xưởng sản xuất mộc ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ.
Phần lớn, các xưởng mộc đều được trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ làm nghề, cùng với sự tiện lợi, máy móc cũng không khác nào con dao hai lưỡi bởi nguy cơ gây tai nạn lao động rất cao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đã một vài lần bị thương ở tay trong quá trình vận hành máy cưa, anh Nguyễn Văn Đa, ở cụm 4, xã Thọ Lộc, chia sẻ: “Người thợ làm nghề mộc phải thường xuyên tiếp xúc với các loại máy cưa, xẻ, cắt… đòi hỏi cần tập trung cao trong công việc, chỉ một chút sơ sẩy, không chú ý là rất dễ gặp tai nạn”.

Lao động làm nghề mộc thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bặm từ gỗ, đặc biệt là từ sơn hóa học dùng để phun màu cho gỗ. Bụi gỗ dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như phổi, phế quản. Bụi sơn với các thành phần hóa học tổng hợp rất độc hại, theo đường thở đi sâu vào cơ thể, gây nguy hại đối với sức khỏe con người, là một trong những nhân tố dẫn đến các bệnh ung thư. Đó là chưa kể, việc sử dụng nhiều máy móc nếu nguồn điện không được bố trí hợp lý, khoa học, hoặc người lao động không chú ý sẽ rất dễ gặp tai nạn.

Hầu hết các xưởng mộc trên địa bàn huyện Phúc Thọ đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa có quy hoạch được các cụm, điểm để đưa các xưởng mộc ra một khu sản xuất riêng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân sống xung quanh. Trong khi đó, cả chủ xưởng và thợ mộc vẫn xem nhẹ việc trang bị đồ dùng bảo hộ lao động như mũ, găng tay, khẩu trang…

Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho các làng nghề nói chung và nghề mộc nói riêng, huyện Phúc Thọ cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người lao động, chủ cơ sở để họ nêu cao ý thức tự giác trong sản xuất an toàn; thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất đồ mộc về điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động…

Chỉ khi những nguy cơ rủi ro về tai nạn nghề nghiệp được đẩy lùi thì người lao động mới sống khỏe với nghề, đời sống thực sự được nâng cao.