Mặt bằng cho thuê lại ế ẩm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường mặt bằng cho thuê mới có dấu hiệu phục hồi thì dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát khiến phân khúc này lại trở về tình trạng ế ẩm.

“Sạch bóng” khách quốc tế
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên các phố lớn, không ít cửa hàng cho thuê cửa đóng then cài với những biển hiệu cho thuê mặt bằng tiếp tục được giăng lên. Trên khu vực phố cổ, tình trạng ảm đạm hơn rất nhiều, các phố hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Lễ... vốn tấp nập là thế nay rơi vào tình cảnh im ắng với hàng loạt cửa hàng đóng cửa, các khách sạn thì "vắng như chùa Bà Đanh".

Anh Dương Công Hưng – quản lý khách sạn tại số 9 phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động đón khách du lịch bị giảm sút mạnh, đặc biệt đối với khách quốc tế, hơn một năm trở lại đây đã “sạch bóng” tại khu vực phố cổ Hà Nội. Trong khi đó, lượng khách nội địa cũng thưa thớt khiến cho hoạt động kinh doanh của đơn vị lưu trú này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu không đủ bù chi phí điện, nước, nhân công vận hành, mặc dù giá thuê đã được giảm đến kịch sàn. “Hiện tại, chủ nhà đang giảm giá thuê 100% cho chúng tôi, song việc duy trì hoạt động rất khó khăn, chủ yếu khách nội địa thuê nhưng phần lớn là người đi công việc, làm ăn gần như không có khách du lịch” – anh Dương Công Hưng chia sẻ.
 Một cửa hàng trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm treo biển thông báo cho thuê cửa hàng . Ảnh: Công Hùng
Cùng chung số phận với mặt bằng cho thuê kinh doanh lưu trú, mặt bằng bán lẻ cho thuê thương mại cũng không khả quan hơn. Khảo sát thực tế tại một số quận nội đô Hà Nội, từ khi bùng phát đợt dịch mới vào cuối tháng 4 vừa qua, hàng loạt trung tâm mua sắm nhỏ phải đóng cửa vì không có khách. Nhiều trung tâm thương mại lớn, nằm ở vị trí đắc địa, được xem là địa điểm ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí sầm uất trước đây như: Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), Trung tâm thương mại Artemis (Thanh Xuân), Trung tâm thương mại Indochina Plaza Hanoi (Cầu Giấy)... mặc dù vẫn hoạt động nhưng lượng khách cũng giảm từ 70 – 80%.

Giảm giá vẫn trả mặt bằng

Theo Giám đốc Công ty Du lịch khách sạn Nam Đăng Lê Xuân Vinh, sau một năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đến quý I/2021, thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm, nhiều mặt bằng cho thuê đã phải trả lại do không chịu được những khoản chi phí bị “âm”. Trong khi tình hình chưa có nhiều cải thiện, đợt dịch mới lại xuất hiện với tần suất mạnh hơn, nhanh hơn khiến hoạt động cho thuê mặt bằng kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chủ mặt bằng đều đồng loạt giảm giá thuê từ 50 – 60%, cá biệt một số chủ mặt bằng còn miễn phí 100% tiền thuê để giữ khách.
“Dù nhiều chủ mặt bằng cho thuê đã giảm giá đến 50%, khách thuê vẫn trả lại, không thể tiếp tục kinh doanh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay, dự báo có thể đến hết năm 2022 thị trường mặt bằng cho thuê mới hồi phục trở lại như trước dịch” – ông Lê Xuân Vinh nhận định.

Số liệu khảo sát của Công ty Kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam, nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thuê ở Hà Nội đạt xấp xỉ 1,1 triệu mét vuông sàn. Do tác động từ dịch bệnh nên tỷ lệ bỏ trống, giá thuê giảm nhẹ và có sự chênh lệch lớn về giá thuê giữa các khu vực. Theo đó, khu vực trung tâm giá thuê bình quân từ 90 – 100 USD/m2/tháng; trong khu khu vực ngoài trung tâm giá thuê từ 20 – 25 USD/m2/tháng. Do sức mua giảm nên nhiều chủ đầu tư đã cân nhắc việc mở rộng thuê mặt bằng, không dám mạo hiểm vì phát sinh chi phí lớn. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến thói quen của người tiêu dùng chuyển từ mua trực tiếp sang mua online, vì vậy đã khiến cho nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh thương mại ngày càng giảm dần, không được quan tâm nhiều như trước đây.

“Trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh và chủ mặt bằng cho thuê buộc phải tìm phương án đối phó, kinh doanh online là phương án hữu hiệu được ưu tiên lựa chọn. Nhưng đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới. Hiện, hệ thống mặt bằng kinh doanh thương mại đang chạy đua về doanh số bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến. Ví như Lotte mart, các đơn hàng trực tuyến tăng 100 – 200% trên số đơn hàng, trong khi Vinmart mở rộng phạm vi giao hàng tại hầu hết siêu thị còn đang hoạt động. Với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, nhiều hộ kinh doanh không chọn thuê mặt bằng phố lớn để mở cửa hàng mà bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website…” – đại diện CBRE cho hay.

"Số lượng mặt bằng chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ phủ kín rất chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dự báo tình trạng này vẫn sẽ còn kéo dài ít nhất là đến hết năm 2021. Trước tình cảnh như vậy, xu hướng chuyển đổi sang thương mại điện tử sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch." - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty Savills Việt Nam Võ Khánh Trang