Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mất bằng lái xe phải thi lại: Không khả thi

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ GTVT vừa có một phát biểu đòi những người bị mất giấy phép lái xe (GPLX) phải thi lại thay vì được cấp lại như hiện nay.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại và là một động thái muốn đẩy hết những điều khó khăn về phía người dân. 
Có hiện tượng "bao thi" "bao đỗ" tại một số cơ sở 
Ngày 6/3, trong phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, bà Nguyễn Thị Thủy - Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho biết, trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe còn một bộ phận học viên có tâm lý không muốn học bài bản nhưng muốn có giấy phép lái xe.
 Bộ trưởng Bộ GTVT vừa gây bão dư luận với đề xuất ngược đời.
Nắm bắt tâm lý này, nhiều cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành; thay vì dạy bài bản thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi", "bao đỗ" tại một số cơ sở.
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, từ cuối năm 2018, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe. Trong Nghị định có quy định nội dung giảng dạy phải thay đổi theo hướng tăng cường tình huống tập lái xe trong sa hình. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để nhằm cung cấp thông tin những trường hợp bằng giả, vi phạm để phục vụ công tác xử lý của cơ quan chức năng. Ông Thể cho biết sẽ đề xuất quy định thí sinh vi phạm một số lỗi nghiêm trọng sẽ đánh rớt ngay như vượt đèn đỏ đường sắt hoặc vi phạm trên đường đèo.
"Chúng tôi đã điều chỉnh lại nghị định, thông tư, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện những vụ việc liên quan đến các trung tâm thì đề nghị cơ quan pháp luật xử lý thật nghiêm. Những cơ sở vi phạm có thể thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe" - lãnh đạo Bộ GTVT nói và cho biết thêm, theo số liệu Bộ GTVT nắm được của các cơ sở đào tạo bằng lái, cứ 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3.
Bất ngờ hơn, trong phần phát biểu của mình, người đứng đầu Bộ GTVT khiến nhiều người sửng sốt với đề xuất tất cả những trường hợp mất GPLX sẽ phải thi lại để được cấp mới chứ không được cấp lại như hiện nay. "Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3" – Bộ trưởng Thể nói. Và gần như ngay sau khi phát ngôn trên được đưa ra, người đứng đầu Bộ GTVT đã phải hứng hàng loạt ý kiến phản đối. Nhiều chuyên gia giao thông và chuyên gia pháp lý cùng lên tiếng cho rằng đề xuất ngược đời của Bộ trưởng Thể chẳng khác nào đi ngược xu thế và sẽ khó khả thi vì trái với nhiều quy định pháp luật hiện hành.
Nhưng .... không nên đưa quy định gây phiền hà cho số đông người?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia Giao thông đô thị cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT là thiếu suy nghĩ. “Ông ấy phát biểu chắc không kịp nghĩ. Cũng có thể do người ta lỡ lời thôi chứ ai lại làm thế” – TS Nguyễn Hữu Đức nói.
 Yêu cầu người mất GPLX phải thi lại mới được cấp là đề xuất không thể chấp nhận được.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, xu thế phát triển của xã hội nói chung và ngành GTVT nói riêng luôn hướng tới những thứ tiến bộ, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, đề xuất của ông Thể chẳng khác nào đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại. “Các nước tiên tiên trên thế giới, dữ liệu về GPLX đều được quản lý bằng hệ thống điện tử. Thông tin về việc lái xe vi phạm hay bị mất GPLX đều dễ dàng tra cứu được qua hệ thống này. Ai mất GPLX chỉ cần kiểm tra qua hệ thống này sẽ biết và được cấp lại. Tất nhiên có mất một chút lệ phí nhưng không nhiều” – TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.
Đối với trường hợp bị mất GPLX sẽ phải thi lại, TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, trên thế giới cũng có một số nơi áp dụng quy định này. Nhưng đấy đều là những quốc gia lạc hậu, chưa phát triển. “Chẳng lẽ Việt Nam chúng ta lại học cái kiểu quản lý theo kiểu lạc hậu này sao? Bây giờ công nghệ hiện đại ai quản lý kiểu thế. Đó là đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại” – TS Đức nhận định.
Còn với lí giải của ông Thể rằng yêu cầu mất bằng lái phải thi lại là để tránh tình trạng gian lận, báo mất giả, TS Nguyễn Hữu Đức nhận định, việc quản lý, chống gian lận trong việc cấp và cấp lại GPLX là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể vì không quản lý được những trường hợp gian lận đó mà đưa ra quy định gây phiền hà cho số đông người khác.
... Mà quan trọng nhất là công tác đào tạo
Trong khi đó, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp cho rằng, qua đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT có thể thấy trình độ của quan chức, nhất là quan chức cao cấp có thẩm quyền, trách nhiệm khi hoạch định chính sách, vấn đề tư duy chính sách, kể cả trách nhiệm phát ngôn về chính sách ở tầm cao đang có vấn đề. Ông Sơn khẳng định quan điểm cá nhân không đồng ý với đề xuất ngược đời của Bộ trưởng Thể.
“Đề xuất làm mất bằng lái xe phải thi lại là một cái sai, sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và vấn đề tư duy chính sách” – ông Lê Hồng Sơn nhận định. Đối với việc mất GPLX, ông Sơn cho hay có rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó không loại trừ nguyên nhân GPLX bị hủy hoại tự nhiên. Trong khi để được cấp GPLX, người dân đã phải đi học, thi và vượt qua kỳ thi sát hạch để được cấp rồi. Giờ vì GPLX bị hỏng hoặc mất mà bắt người dân phải thi lại là không thể chấp nhận được.
Theo nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp việc Bộ GTVT và Bộ trưởng Thể cần phải tập trung làm vào thời điểm này là chấn chỉnh, xử lý nghiêm lực lượng đào tạo sát hạch, cung cấp bằng lái xe, chống tiêu cực, chống tham nhũng chứ không phải nghĩ ra những đề xuất ngược đời, phi lí như vậy.
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định, GPLX cũng giống như các giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp, việc người đang sở hữu không may bị mất hoặc bị thất lạc không tìm lại được đó là chuyện bình thường. Cần phải căn cứ vào hồ sơ gốc để cấp lại chứ sao lại yêu cầu người làm mất phải thi lại. “Tôi cho rằng đề xuất người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý” – Đại biểu Cương nói.
Thậm chí, Đại biểu Cương đánh giá, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ không góp phần làm giảm tai nạn giao thông, cũng không phải là giải pháp để chống bằng lái xe giả, hay chống việc lợi dụng báo mất để được cấp thêm 2 – 3 bằng lái như lời khẳng định của chính ông Thể. “Vấn đề ở đây cần phải thấy rõ là công tác quản lý cấp bằng lái xe và việc người có bằng lái bị mất là khác nhau. Việc người bị mất bằng lái xe phải thi lại không làm cho tay lái của họ được tử tế hơn. Để người điều khiển ô tô có tay lái tốt nó nằm ở những khâu khác, trong đó quan trọng nhất là công tác đào tạo” – Đại biểu Cương nhận định.
"Tất cả chính sách pháp luật phải có đạo lý. Ví dụ một người luôn chấp hành pháp luật giao thông tốt nhưng vì lý do bất khả kháng nào đó như bị mất cắp giấy tờ trong đó có bằng lái xe thì việc cấp lại cho họ là bình thường. Việc đưa ra quy định người bị mất bằng lái xe phải thi lại là không nên khi bằng đó vẫn còn có giá trị." - TS Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

"Những người được cấp giấy phép lái xe là khi họ đã đạt được những điều kiện cho phép nhất định, đã trải qua những kì thi lý thuyết và sát hạch trên thực tiễn. Vậy cớ sao cơ quan chức năng lại gây khó dễ cho người dân trong việc cấp lại giấy phép lái xe khi người dân chẳng may mất đi tấm bằng đó?" - Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT, Bộ Công an

"Đề xuất mất bằng lái phải thi lại không có căn cứ để thực thi vào thực tiễn. Bởi khi đã cấp giấy phép một lần thì khi người tham gia giao thông bị mất mà không phải bị các cơ quan khác thu giữ, không bị một chế tài hành chính nào khác làm mất giá trị của giấy tờ này thì sẽ được xin cấp lại chứ không phải là đi học lại hay thi lại." - Luật sư Lê Văn Thiệp – Đoàn Luật sư Hà Nội