Mất tiền oan vì lộ thông tin cá nhân

Tuấn Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng lộ thông tin cá nhân ngày càng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng xấu đã khai thác những thông tin này để hoạt động phạm pháp.

 Ảnh minh họa
Hiện nay, công nghệ cao được áp dụng rộng rãi, một trong số đó là thu thập thông tin cá nhân, nhằm chăm sóc, phát triển khách hàng đang được DN các ngành nghề rất quan tâm. Nhiều người dân đã tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân để thụ hưởng những tiện ích của sản phẩm đang quan tâm. Cũng không hiếm những trường hợp thông tin cá nhân bị lộ, lọt vào tay kẻ xấu và những đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn để lừa gạt người dân.
Mới đây, anh Nguyễn Tuấn P. (trú tại quận Hai Bà Trưng) đã thổ lộ bị lừa bằng thủ đoạn này. Theo đó, thời điểm gần trưa một ngày đầu tháng 1/2019, anh P. nhận được cuộc điện thoại lạ (số không lưu trong danh bạ). Người đàn ông nghe giọng đã lớn tuổi ngay từ câu mở đầu đã tự xưng tên Sơn và hỏi thăm sức khỏe, tình hình công tác đúng tên cũng như ngành nghề anh P. đang hoạt động. Sau những lời hỏi thăm khá thân thiện, người đàn ông tên Sơn đề cập vấn đề chính. “Gần 2 năm anh mới tìm được mật ong rừng thứ thiệt theo yêu cầu của em. Hiện tại, anh đã gửi mật ong trên xe khách, đang trên đường về Hà Nội. Em sắp xếp thời gian, nếu không ra bến xe nhận được thì nhà xe thuê hộ xe ôm chở đến địa chỉ nhà em” - người lạ tên Sơn nói như câu chuyện đã được hẹn hò từ lâu…

Do mốc thời gian đã lâu không nhớ nổi câu chuyện nhưng anh P. tặc lưỡi đồng ý đọc địa chỉ chuyển mật ong đến. Theo anh P., thời điểm này do người lạ biết rõ ngành nghề mình đang làm việc nên cả nể, nghĩ họ từ xa có thịnh tình chuyển mật ong rừng về cho mình. Ngay sau đó, người đàn ông tế nhị cho biết, do đứa cháu đi rừng lấy mật nên chỉ để lại cho chú với giá 300.000 đồng/lít. Đặt vào thế đã rồi, anh P. đành gọi về cho người nhà, nhận 2 lít mật ong với giá 600.000 đồng. Anh P. chỉ biết đã bị lừa khi 5 ngày sau, số mật ong “xịn” kết tinh hoàn toàn thành bánh đường. Liên hệ lại số điện thoại, người đàn ông tên Sơn không nghe máy. Biết bị lừa nhưng số tiền không lớn và cũng tự nguyện trả tiền nên anh P. đành coi đây là “lệ phí” cảnh giác cho riêng mình.

Cùng trong thời gian này, mạng xã hội và một số cơ quan báo chí đang phản ánh và tìm hiểu thông tin về hiện tượng người giao hàng online (ship hàng), liên hệ đúng tên người, số điện thoại, địa chỉ để chuyển những bưu phẩm họ không đặt trước. Do bưu phẩm được giao với số tiền không lớn (trên, dưới 200.000 đồng) nên nhiều người đã tò mò nhận, nghĩ đây có thể là quà tặng. Tuy nhiên, mở bưu phẩm, người dân biết bị lừa bởi hàng hóa họ nhận chỉ là phế phẩm…

Trước những vụ việc nêu trên, người dân nên nhận biết và có biện pháp phòng tránh.