Mặt trái của công nghệ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi đoạn băng đầy bạo lực về vụ xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch (New Zealand) được phát trực tiếp trên mạng, người ta mới nhận ra rằng sức mạnh công nghệ là con dao hai lưỡi bén nhọn.

 Hung thủ vụ xả sáng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch
Kể từ lúc facebook và một số mạng xã hội khác (như Instagram, BIGO LIVE...) phổ biến tính năng phát trực tuyến (livestream) trên nhiều nền tảng, người dùng đã có dịp được xích lại gần nhau hơn. Dù đi đâu hay làm gì, bạn cũng có thể chia sẻ ngay các khoảnh khắc đó với bạn bè và những người mình đã kết nối. Rất nhiều mối quan hệ bạn bè đã không bị cách xa theo thời gian và địa lý nhờ nền tảng của công nghệ mạng xã hội. Đây là một lợi ích mà không ai có thể chối bỏ về livestream.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều người đã biến tính năng miễn phí này thành một công cụ quảng bá hình ảnh cá nhân. Ban đầu, họ chỉ dừng lại ở việc khoe mẽ các món đồ mới mua, khoe rằng đang được đi du lịch đây đó... nhưng dần dà thì mọi thứ lại biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Các chương trình nghệ thuật bị khóc ròng vì công nghệ livestream. Các biện pháp bảo vệ bản quyền điện ảnh gần như “bó tay” vì tình trạng phát trực tiếp đang ngồi xem phim. Thậm chí, cô người mẫu, hoặc vợ một danh hài có tiếng cũng đã sử dụng livestream để xúc phạm danh dự người khác, thu hút những người vào tát nước theo mưa giống mình. Nhưng vì quản trị bằng máy móc, nên facebook khó lòng phân định để kiểm duyệt. Mạng xã hội trở thành nơi tiếp tay, lan tỏa những hành động xấu.

Facebook từng có những biện pháp ngăn chặn tình trạng phát tán thông tin sex, nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần. Việc nghi can thảm sát tại hai nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch (New Zealand) ngày 15/3 quay và phát trực tiếp (livestream) cảnh hắn ra tay trên facebook có thể đã thành công ngoài mong đợi của kẻ thủ ác. Đoạn video dài 17 phút không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội này mà còn gần như không thể xóa được tận gốc. Cho dù đến nay facebook thông tin đã xóa hơn 1,5 triệu lượt video bạo lực này, nhưng về mặt bản chất, facebook chỉ có thể xóa được video gốc và video sao chép y nguyên, còn nếu video chính sửa sẽ ngoài tầm kiểm soát. Việc phát trực tiếp cảnh xả súng tại New Zealand chắc chắn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về quy định và việc kiểm soát của facebook. Họ đã cung cấp nền tảng cho cuộc tấn công khủng khiếp và tạo điều kiện cho một số người lan truyền những nội dung cực đoan này.

Đó là mặt trái của công nghệ, và câu hỏi làm sao để chặn video không phù hợp và loại chúng khỏi internet vẫn sẽ còn đó, dù có được nhắc lại bằng bao nhiêu vụ việc đau lòng như thảm sát Christchurch đi nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần