[Mất trộm cổ vật - nỗi lo gìn giữ di sản ngàn năm] Bài 1: Những di sản trống không

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với mỗi di tích, công tác bảo tồn luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng thời gian qua, tại các di tích trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra việc cổ vật bị kẻ trộm đánh cắp. Điều này dẫn đến nguy cơ, di tích sẽ biến thành “xác không hồn”. Cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này, nhằm phát huy giá trị văn hóa, tinh thần của mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi quy tụ gần 6.000 di tích và vô số hiện vật vô giá.

 Chùa Bối Khê thường xuyên không có người trông coi vào ban ngày, thiếu các biện pháp bảo vệ hiện vật, di vật. Ảnh: Ngọc Tú
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ việc mất cắp cổ vật tại các di tích, đình, đền, chùa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, Ban Quản lý các di tích vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Nhiều biện pháp đưa ra không đủ sức răn đe, thậm chí chỉ nằm trên giấy.
“Chảy máu” cổ vật

Trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 13/3 đến ngày 11/4/2020), trên địa bàn huyện Thanh Oai liên tiếp xảy ra các vụ trộm tại chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng số có 26 cổ vật, đồ thờ tự tại nhiều di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai bị kẻ gian lấy mất. Ðáng chú ý là pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen tại chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần… thứ ba, sau khi được hoàn trả ở hai vụ trộm trước. Tại huyện Thường Tín, từ tháng 1/2020 đến nay, xảy ra 6 vụ trộm di vật, hiện vật tại 6 di tích thuộc 5 xã: Hiền Giang, Vân Tảo, Văn Phú, Thư Phú, Khánh Hà. Tại huyện Ứng Hòa, từ năm 2019 đến nay xảy ra các vụ mất sắc phong, cuốn thư, lư hương, hạc, đỉnh đồng ở đền Hạ (xã Tảo Dương Văn), đình Dương Khê (xã Phương Tú), đình Tràng (xã Liên Bạt), đình Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình). Tại huyện Phú Xuyên cũng xảy ra tình trạng mất cắp lọ lục bình, đỉnh hương ở di tích thuộc các xã Đại Xuyên, Văn Hoàng, Tân Dân. Bên cạnh đó, huyện Chương Mỹ xảy ra mất cắp tại đình Hồng Thái ngày 22/3, kẻ gian lấy đi 1 hòm sắc phong, 7 đạo sắc phong bản gốc, 1 thần phả và tiền mặt. Tại huyện Hoài Đức, đêm 23/1 xảy ra mất cắp tại đình Vân Côn (xã Vân Côn) mất đi 3 ngai thờ. Số liệu trên cho thấy, số lượng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội ngày càng nhiều.
Trước thực trạng các di tích liên tục bị lấy cắp hiện vật, cổ vật, huyện Thanh Oai đã yêu cầu các xã, thị trấn, ban quản lý di tích rà soát, kiểm tra, thống kê hiện trạng đồ thờ, hiện vật, sắc phong trong di tích; thực hiện xã hội hóa trong lắp đặt camera an ninh tại các di tích. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân, các ban quản lý di tích chủ động kiểm tra hệ thống cửa, khóa, phối hợp với lực lượng công an phòng chống trộm cắp di vật, hiện vật, hòm công đức trong các di tích.

Đầu tháng 9/2020, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tìm đến chùa Bối Khê để khảo sát, tìm hiểu về công tác đảm bảo an ninh tại Di tích quốc gia đặc biệt này. Chùa Bối Khê có vị trí gần khu dân cư, cạnh một trường mẫu giáo nên người dân đi lại khá đông. Tuy nhiên, sau khoảng 8 giờ 30, khu vực xung quanh chùa Bối Khê khá vắng vẻ. Phóng viên có dễ dàng thể vào bên trong chùa Bối Khê bởi các cửa đều mở và không có người trông coi. Sau khi để xe ở sân chùa, khách du lịch có thể vào bên trong các gian thờ, tiếp cận các hiện vật bên trong chùa khá dễ dàng. Sân chùa có lắp camera nhưng sau 1 tiếng có sự xuất hiện của khách lạ, không có bất kỳ sự “hỏi thăm” nào của các đơn vị quản lý di tích.

Trở lại vụ việc chùa Bối Khê bị mất trộm cổ vật vào đêm 13/3, theo lời kể của Bí thư Chi bộ thôn Song Khê (xã Tam Hưng) Kiều Văn Chính, 2 kẻ trộm đã để xe máy trong sân chùa, sau đó đột nhập vào bên trong đánh cắp cổ vật. Đến 4 giờ sáng, sau khi có vãi - người giúp việc trong chùa thức dậy, phát hiện có người lạ mới nghi ngờ. Tuy nhiên, khi hỏi thăm, một kẻ gian đã lấy lý do say rượu vào chùa để ngủ, lợi dụng lòng tin của vãi để tẩu thoát. Khi đi, kẻ trộm mang theo một pho tượng Thích ca đản sinh. Đến sáng, người nhà chùa biết cổ vật còn được tập kết ở một vị trí kín đáo trong sân chùa, kẻ gian chuẩn bị mang đi nhưng không thành do bị phát hiện.

Không chỉ riêng chùa Bối Khê, tình trạng di tích không có người trông coi là thực trạng chung ở nhiều nơi. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tìm đến đình Vân Côn (xã Vân Côn, huyện Hoài Đức) nơi đã từng bị lấy đi 3 ngai thờ để ghi nhận thực tế. Ngôi đình được đặt tại làng Vân Nội, nằm gần chợ, nơi có tập trung đông người. Theo lời kể của ông N.V.L (người làng Vân Nội), kẻ trộm đột nhập vào đình trong một ngày mưa bão. Chúng đã phá cửa lấy đi 3 ngai thờ. Ông thủ từ, năm nay đã ngoài 80 tuổi không biết sự việc. Sáng hôm sau, ông vẫn làm lễ ở ngoài sân đình. Chỉ đến khi người dân vào bên trong dâng lễ, không thấy ngai thờ đâu mới phát hiện ra bị mất trộm. Ông N.V.L chia sẻ: “Cổ vật đã bị lấy đi hết, bây trong đình giờ không còn cổ vật gì đáng giá cả. Cũng không biết trách ai, nghi ngờ cho ai, thủ từ đã cao tuổi không thể một mình trông nom mãi được”.
Chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) bị đạo chích 3 lần lấy trộm tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng. Ảnh: Ngọc Tú
Cổ vật một đi không trở lại

Nhiều năm qua, nạn mất trộm cổ vật đã tồn tại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội di vật, hiện vật cũ đã gần như mất trắng. Ngồi bên trong sân đình Vân Côn (làng Vân Nội, xã Vân Côn, Hoài Đức), ông N.V.L nhớ lại: “Ngôi đình này đã có hàng trăm năm. Cứ vào ngày rằm, mùng 1 hay các dịp lễ rước thánh, người dân lại được sống trong không gian đậm văn hóa, lịch sử. Lễ rước thánh đi khắp quanh làng người già, trẻ nhỏ ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhưng bây giờ, 3 ngai thờ đã mất.
Ngày 11/6/2020, UBND TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản số 2352/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn TP. Đặc biệt lưu ý tại văn bản này, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo địa phương nào để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật nếu không báo cáo Sở VH&TT, cơ quan chức năng sau 5 ngày thì Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Sau nhiều vụ trộm, ngôi đình gần như trống không. Người dân có cung tiến đồ mới vào nhưng những đồ vật đó như vô hồn, không mang dấu ấn thời gian, lịch sử”. Đình Nhật Tân (quận Tây Hồ) cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi phóng viên hỏi về số lượng cổ vật trong đình, ông Nguyễn Văn Hiệp - thủ từ Đình Nhật Tân vừa tỏ ra cẩn trọng khi trả lời, vừa chua xót nói: “Cổ vật trong chùa làm gì còn”. Còn tại chùa Bối Khê, pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen sau khi bị mất cắp lần thứ 3, Bí thư Chi bộ thôn Song Khê (xã Tam Hưng) Kiều Văn Chính trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị: “Tội phạm đã bị công an bắt còn tượng Phật thì vẫn chưa về với chùa”.

Đến nay, vẫn chưa có ai thống kê chính xác đã có bao nhiều cổ vật đã bị mất cắp tại các di tích. Theo TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, con số cổ vật mất mát lớn hơn những gì đã công bố rất nhiều, bởi nhiều vụ chúng ta chưa biết, chưa thống kê. Nhiều cổ vật bị trộm có tuổi thọ hàng trăm năm, có giá trị kinh tế cao và giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật quý hiếm nên các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi để lấy cắp. Trong khi đó, việc truy tìm còn gặp nhiều khó khăn nên phần lớn cổ vật một đi không trở lại; không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn bị tuồn ra nước ngoài bằng nhiều con đường.

(Còn nữa)
Nâng cao tinh thần cảnh giác

Vấn đề cảnh báo thực trạng “chảy máu”, mất cắp cổ vật tại di tích đã liên tục được Cục Di sản văn hóa nhắc nhở các địa phương, bằng nhiều hình thức. Trên thực tế, tại nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp để tổ chức bảo vệ cổ vật, hiện vật giá trị. Một số di tích đã đưa các cổ vật đặc biệt giá trị vào hậu cung, hoặc có các thùng, két để bảo vệ. Bên cạnh đó là các biện pháp phân công, tăng cường trách nhiệm giữa các lực lượng chức năng liên tục được tăng cường. Để bảo vệ cổ vật, hiện vật tại di tích có nhiều hình thức. Tuy nhiên, để phòng kẻ gian trên thực tế vẫn là một vấn đề nan giải, đòi hỏi các địa phương, Ban Quản lý các di tích luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Quản lý lỏng lẻo chính là kẽ hở khiến cho các hiện vật quý, giá trị bị lấy cắp khỏi các di tích.

Để bảo vệ các cổ vật, hiện vật quý ở di tích thì chỉ thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo thôi chưa đủ, tiến tới là các dự án đầu tư có phương án bảo vệ hiện vật. Đặc biệt là việc kiểm kê di tích tại các địa phương. Qua đó, những hiện vật được đăng ký, kiểm kê sẽ có các số liệu, hình ảnh tạo cơ sở tìm lại khi bị thất thoát hay đánh cắp. Những hiện vật tại di tích càng trải qua thời gian càng trở nên có giá trị, trở thành đối tượng nhòm ngó của đạo chích. Nhiều di tích vừa hồ sơ hóa hiện vật, vừa có thiết bị báo trộm, vậy mà kẻ gian vẫn lấy cổ vật được. Nên nếu quản lý lỏng lẻo, không tiến hành các biện pháp như hồ sơ hóa, đi cùng các giải pháp phân công phối hợp, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị chức năng thì sẽ rất khó nói những gì sẽ xảy ra.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành
Chính sách hỗ trợ người trông coi chưa đảm bảo

Phần lớn người trông coi tại các di tích hiện nay chủ yếu là các bậc cao niên, đội ngũ tự quản. Vì vậy, việc trông coi, bảo vệ di tích chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, chưa phù hợp với hiện trạng các di tích cần được trông coi, bảo vệ hiện nay. Có thể nói rằng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra việc mất cắp di vật, hiện vật chưa được Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật quy định rõ ràng. Tại một số huyện đã có chính sách hỗ trợ cho người trông coi, bảo vệ di tích, nhưng số lượng hỗ trợ rất nhỏ, chưa đảm bảo.

Để làm tốt công tác quản lý, hạn chế việc mất cắp và bảo vệ di vật, hiện vật tại các di tích, hằng năm Sở VH&TT đã ban hành nhiều văn bản và chủ động phối hợp với UBND các, quận, huyện, thị xã, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ; bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các công việc sau:

- Xây dựng kế hoạch, rà soát, kiểm kê, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật, bổ sung, khắc phục hồ sơ còn hạn chế tại các di tích trên địa bàn quản lý, nhất là các di tích đã xếp hạng từ năm 2010 trở về trước, làm cơ sở cho việc bảo quản di vật, hiện vật theo đúng quy trình, khoa học.

- Phối hợp, tăng cường kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các Ban quản lý di tích, Tiểu ban bảo vệ di tích xã, phường, thị trấn trong việc kiện toàn tổ chức quản lý, hoàn thiện phương án bảo vệ, bảo quản di tích, hiện vật chủ động lắp đặt các thiết bị bảo vệ như lắp camera.

- Phối hợp với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức điều tra, truy tìm những di vật, hiện vật, đồ thờ đã mất để trả lại cho di tích, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc trên. Kịp thời phát hiện, răn đe và trấn áp các cá nhân, tổ chức đã gây ra các vụ trộm cắp di vật, đồ thờ tại các di tích trên địa bàn Thành phố và có hình thức động viên khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích phát hiện, ngăn chặn vấn nạn mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò gương mẫu trong việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa tuân thủ các quy định về di sản văn hóa như Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý và bảo vệ di tích của Thành phố.

- Khắc phục và tăng cường lực lượng tham gia Tiểu ban quản lý di tích cơ sở vì thành phần tham gia bảo vệ di tích là những cán bộ về hưu, các cụ phụ lão hoạt động theo chế độ tự nguyện hoặc kiêm nhiệm.

Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (Sở VH&TT Hà Nội) TS Nguyễn Doãn Văn. Lại Tấn thực hiện

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần