[Mất trộm cổ vật - nỗi lo gìn giữ di sản ngàn năm] Bài cuối: Đừng để đánh mất quá khứ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với mỗi di tích, cổ vật là văn hóa, di sản, niềm tự hào với người dân địa phương. Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, cổ vật bị mất không chỉ là những thất thoát về mặt vật chất mà còn là sự đánh mất lịch sử, quá khứ, ý nghĩa tinh thần thiêng liêng của di tích.

Đình Nhật Tân (quận Tây Hồ), nơi bị "đạo chích" cậy mái để đột nhập, trộm cổ vật. Ảnh: Minh An
Truy tìm cổ vật

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL đã có công văn số 248/DSVH-DT gửi Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu tăng cường bảo vệ hiện vật lưu giữ tại các di tích trên địa bàn TP Hà Nội; nhanh chóng báo cáo UBND TP chỉ đạo cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan, nhanh chóng tổ chức truy tìm, trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích, làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân để xảy ra vụ việc.

Vào đầu tháng 1/2020, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được tin trình báo của những người có trách nhiệm tại chùa Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, về việc bị kẻ gian đột nhập lấy đi chiếc chuông chùa. Đại diện phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cho biết đã tóm gọn nhóm đối tượng chuyên trộm cắp và mua bán cổ vật. Các đối tượng liên kết với nhau gây ra 13 vụ trộm cắp tài sản là cổ vật ở các đình, chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn cả nước. Danh tính nhóm đối tượng chuyên trộm cắp cắp cổ vật trong các chùa, đền miếu gồm: Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1965, ở phố Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1982, ở đường Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Văn Hậu (sinh năm 1990, HKTT tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Đối tượng Nguyễn Văn Toàn từng có 4 tiền sự, 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Đây chính là một trong những đầu mối được Ban chuyên án xác định là nút mở của vụ án. Sau nhiều ngày tháng bí mật đeo bám, sáng 7/8, từ đối tượng này Ban chuyên án đã lần ra và bắt giữ cả ổ trộm cắp, mua bán cổ vật với số lượng rất lớn, xuyên tỉnh, TP.

Cụ thể, rạng sáng 7/8 có hai đối tượng đi xe máy đỗ sát cửa nhà 391 phố Kim Ngưu (nơi sinh sống của của đối tượng Nguyễn Văn Toàn) và quăng xuống một bao tải khá lớn. Khi các đối tượng đang khiêng bao tải vào nhà thì bị trinh sát ập tới kiểm tra. Trong bao tải có khá nhiều cổ vật như lá đề bằng gỗ, cùng nhiều cổ vật khác chuyên dùng để trưng bày nơi thờ tự, tín ngưỡng. Đây là số tài sản mà Nguyễn Văn Huy và Nguyễn Văn Hậu vừa trộm cắp được tại nhà thờ Thượng Đồng, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận chỉ trong vòng hơn nửa năm đến khi bị bắt, đường dây trộm cắp mua bán cổ vật trên đã cùng nhau liên thủ, gây ra 13 vụ trộm cắp tài sản. Vụ trộm cắp đầu tiên của đường dây này thực hiện vào tối 2/1/2020, phải đến 3 tháng sau, hai đối tượng mới tiếp tục gây án, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an. Sau đó, gần 1 tháng sau Hậu tiếp tục điều khiển xe máy chở Huy đến đến đình Vĩnh Lộc (xã Thư Phú, huyện Thường Tín) trèo lên tháo 17 cửa võng cùng nhiều cổ vật khác mang ra ngoài. Chưa đầy 10 ngày sau đó, cả hai phát hiện chùa Nam Dư Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có nhiều cổ vật quý, việc trông coi khá lỏng lẻo, đã đột nhập vào trong lấy đi nhiều tượng phật, pháp bảo của chùa. Tiếp đó, ngày 27/4 cả hai đột nhập vào đình Xâm Xuyên (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) trộm cắp nhiều cổ vật bằng gỗ, đất nung, gốm sứ để trong đình. Một trong những vụ trộm cổ vật lớn nhất, cả hai dối tượng đã trộm cắp tại chùa Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Nhiều pho tượng, chuông bằng đồng là cổ vật với trị giá hàng tỷ đồng đã bị các đối tượng lấy cắp.

Có thể nói, chuyên án bắt giữ nhóm tội phạm trộm cắp, mua bán cổ vật là một chuyên án đặc biệt, có tính chất đặc thù. Không chỉ bắt giữ trọn ổ trộm cắp, mua bán cổ vật với số lượng lớn, những tang vật các đối tượng trộm cắp cũng được các chiến sĩ công an thu giữ, trao trả về nơi ban đầu.
 Đình Nhật Tân (quận Tây Hồ)
“Mất bò mới lo làm chuồng”

Các chuyên án bắt giữ nhóm chuyên trộm cắp cổ vật do CATP Hà Nội thực hiện thành công đã mang đến nhiều niềm vui. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng công tác bảo vệ an toàn cho di tích, hệ thống hiện vật tại các di tích mới là gốc gác vấn đề.Trên thực tế, bảo vệ cổ vật luôn là thách thức không nhỏ ở nhiều di tích. Đặc biệt, tại các địa chỉ sở hữu những bảo vật quốc gia, những hiện vật quý thì đây lại càng là trọng trách lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khi vấn nạn “chảy máu”, buôn bán trái phép cổ vật ngày càng gia tăng thì những cổ vật quý càng tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ gian lấy trộm. Để bảo đảm an ninh ở khu vực các di tích, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản. Khoản 4, Điều 13, Luật Di sản văn hóa có quy định nghiêm cấm mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Thế nhưng, lại chưa có quy định rõ trách nhiệm khi để mất cổ vật tại đình, chùa.

Trước thực tế này, không ít địa phương đã phải nghĩ cách đối phó với nạn trộm cắp. Từng bị trộm đột nhập, đình Nhật Tân (quận Tây Hồ) may mắn hơn khi không bị mất cắp cổ vật. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp - thủ từ Đình Nhật Tân, ngày 29/3, kẻ gian đã cạy ngói, giật xà gỗ, chui từ mái đình xuống để lấy cắp di vật, hiện vật. Khi kẻ gian đột nhập vào trong thì camera ghi lại được, còi báo động vang, nên bảo vệ đình đã kịp thời phát hiện, hô hoán. “Khi lực lượng bảo vệ, dân phòng đến vây bắt ở ngoài, trộm đã khóa cửa bên trong, nhốt chúng tôi ở ngoài. Bọn chúng đã nhanh chóng tẩu thoát qua lối vào và may mắn chưa có di vật, hiện vật nào bị lấy đi. Sau này, để ngăn trộm, mái của đình được giá cố thêm bằng sắt, bởi những xà gỗ trước đây đã bị mục nát” - ông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ.

Hay như ở đình Nhật Tảo (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), để bảo vệ bảo vật quốc gia là chiếc chuông đồng có từ thế kỷ X, các thành viên trong Ban Quản lý di tích phải thay phiên nhau giữ chuông. Cứ vài tháng, chiếc chuông lại được đến một gia đình nào đó để kẻ gian khó nắm bắt lịch trình di chuyển. Chỉ vào những dịp lễ lớn, Ban Quản lý di tích mới đưa chuông về đình để hành lễ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ vào việc bảo vệ di tích. Di tích quốc gia đình Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) là một ví dụ. Cách đây đã lâu tại đình bị đánh cắp 22 đạo sắc phong bản gốc. Khắc phục sự bất cập trong công tác bảo vệ di tích, Ban Quản lý đình đã lắp đặt hệ thống camera. Việc lắp đặt hệ thống này cũng được cơ quan quản lý Nhà nước về di sản khuyến khích sử dụng và trên thực tế, nhiều di tích tại Hà Nội cũng đã ứng dụng. Đình Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) lại có giải pháp cất giữ trong két sắt hơn 40 đạo sắc phong có giá trị. Việc mở két phải có sự đồng thuận của các thành viên có trách nhiệm. Giải pháp này cũng được BQL di tích Đình Tàm Xá (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh), nơi sở hữu 72 đạo sắc phong áp dụng.

Tuy rằng nhiều địa phương đã có những cách riêng để bảo vệ cổ vật mà ông cha để lại, nhưng vẫn là giải pháp manh mún, tức thời; chưa mang tính hệ thống và độ an toàn cao. Chính vì vậy, để không xảy ra tình trạng chảy máu cổ vật ra nước ngoài, rất cần các cơ quan quản lý từ cấp Bộ, Sở đến địa phương trực tiếp sở hữu di sản chung tay, gìn giữ cho được cổ vật đã tồn tạo qua bao đời qua.
Có một thực tế là tại nhiều địa phương, công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật chưa được coi trọng đúng mức, nhiều địa phương thờ ơ với tài sản văn hóa của mình, lỏng lẻo trong bảo vệ, thậm chí còn “khoán trắng” việc trông coi di tích, dẫn tới số cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Bởi vậy, cần phát huy sức mạnh của cộng đồng, những người sâu sát nhất với di tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Luật Di sản Văn hóa đi vào thực thi gần 20 năm nay, nhưng quản lý di tích, di sản còn bất cập. Hà Nội có gần 6.000 di tích, chỉ một số ít di tích quốc gia như ở Long Biên, Mê Linh, Hai Bà Trưng làm được việc đăng ký cổ vật. Khi họ đăng ký, cổ vật trong trường hợp bị trộm cắp sẽ có cơ sở pháp lý để được trao trả. Nhiều nơi, dân khẳng định di vật, cổ vật thuộc về di tích nhưng lại không có cách nào chứng minh.

TS Phạm Quốc Quân - uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia.
Trong các di tích, bên cạnh giá trị về kiến trúc, lớp di vật, cổ vật tầng tầng, lớp lớp với niên đại khác nhau là những dấu ấn rõ nét cho các giai đoạn lịch sử. Nếu để cổ vật mất đi, lịch sử của ngôi đình đó đã bị đứt gãy về lịch sử, văn hóa. Chúng ta không thể để một bức tượng mới vào và nói đó là hiện vật của thế kỷ XVII. 

Ông Nguyễn Đức Bình – người sáng lập CLB Đình Làng Việt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần