May công nghiệp - nghề mới cho phụ nữ Phú Sơn

Bài, ảnh: Quân Đạt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như nhiều địa phương khác ở huyện Ba Vì, đa số chị em phụ nữ xã Phú Sơn làm nông nghiệp. Từ khi có chương trình đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn, nhiều chị em đã học nghề và sống được với nghề này.

Đổi nghề, tăng thu nhập

Xưởng may Thắm Nam ở thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn là xưởng may công nghiệp có khoảng 20 nhân công được mở từ cuối năm 2015. Ở xưởng này, mặt hàng may chủ yếu là quần áo các loại do chủ cơ sở ký hợp đồng với đối tác về giao cho chị em may gia công hưởng thành quả theo sản phẩm. Những công nhân trước khi đến với nghề may chủ yếu làm ruộng, phụ hồ; công việc và thu nhập không ổn định. Kể từ khi vào làm công nhân may đến nay, nhiều chị em đã có mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, xưởng may ở gần nhà nên rất thuận lợi cho chị em thu xếp công việc gia đình.
 Một xưởng may tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. 

Chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Thượng Tả, làm ở xưởng may Thắm Nam được hơn một năm cho biết, trước đây chỉ làm ruộng nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Từ khi vào làm may ở đây, thu nhập một tháng 5 triệu đồng cũng là khoản thu đáng kể để trang trải cuộc sống. Chị Chu Phương Huyền ở thôn Đông Hữu xã Phú Sơn tâm sự: “Làm may tuy ngày từ 8 - 10 tiếng, nhưng bù lại em có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập như vậy em lo được cho con, gia đình có thêm nguồn thu nhập, có tích trữ để lo việc khác”.

Hợp với phụ nữ

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Sơn Chu Thị Phượng cho biết, trên địa bàn xã hiện có 8 - 9 xưởng may công nghiệp, thu hút hàng trăm lao động nữ vào làm nghề. Hoạt động này đã góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho chị em. Đặc biệt, công việc ổn định đã thu hút chị em gắn bó với công tác Hội phụ nữ ngày một bền chặt hơn.

Tuy nghề may công nghiệp đã tạo được việc làm cho nhiều chị em phụ nữ xã Phú Sơn nhưng số chị em tham gia nghề này vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân một phần do nghề may chiếm tương đối nhiều thời gian, nhất là với chị em đã có gia đình. Một phần, việc đào tạo nghề cho chị em hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề lao động cho nông thôn. Một nguyên nhân nữa là do công tác vận động, tuyên truyền chị em chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang học nghề may ở cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Theo kế hoạch, năm 2017, Hội Phụ nữ Phú Sơn sẽ phối hợp với Phòng LĐTB&XH mở 2 lớp đào tạo nghề may cho 70 chị em trong xã.

May công nghiệp là nghề rất phù hợp với điều kiện, sức khỏe của chị em phụ nữ ở nông thôn. Bởi chỉ cần đầu tư khoản tiền từ 3 - 6 triệu đồng chị em sẽ có một máy may công nghiệp để làm nghề trong khi nguồn hàng làm may gia công hiện nay rất lớn. Vì vậy, việc vận động đến với nghề may và đào tạo nghề cho chị em là điều rất cần được các cấp chính quyền quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần