Mẹ giúp việc, con khuyết tật bán tranh ủng hộ chống dịch

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức ký họa “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” của cậu bé 15 tuổi bị câm điếc từ nhỏ - Trần Nam Long được bán đấu giá thành công với mức 25 triệu đồng.

Một nửa số tiền đó được dành ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19, một nửa góp thêm cho ca phẫu thuật khuyết xương bàn chân của Long.
Than thân ai lo cho đứa trẻ câm?
25 triệu đồng với nhiều người không phải quá lớn nhưng với hoàn cảnh của một cậu bé bố mất, mẹ làm nghề giúp việc, ở nhà thuê, bản thân cậu là đứa trẻ khuyết tật với những căn bệnh như: Liệt cơ chân, thiếu hụt xương bẩm sinh ở bàn chân (đi lại khó khăn) và câm điếc từ nhỏ - thì đó lại là số tiền lớn. Thế nhưng, chị Phùng Thị Hiếu – mẹ của Trần Nam Long vẫn quyết định ủng hộ 50% số tiền bán tranh gửi vào tài khoản của Ủy ban MTTQ Việt Nam cho chương trình Chung tay phòng chống dịch Covid-19.
 Cậu bé khuyết tật Trần Nam Long cùng bức ký họa đường phố Hà Nội tháng 4/2020.
Chị Hiếu cho biết, 20 năm bươn chải ở Hà Nội cũng nếm trải bao nỗi nhọc nhằn. Nhưng chị không ngại khó, ngại khổ. Thời gian chưa có con, chị đi làm tối ngày, mỗi ngày chỉ kịp ngủ 3 - 4 tiếng. Lấy chồng, sinh ra Long là đứa con đầu lòng nhưng khi con hơn một tuổi, chị nhận được kết luận của bác sĩ: Con chị bị điếc.
Không chỉ dừng lại ở đó, lên 2 tuổi, ngoài việc chấp nhận con không biết nói, chị Hiếu còn được bác sĩ thông tin: Long bị tăng động thể nặng. “Tôi cũng đã từng vật vã, khóc lóc vì thương con. Nhưng rồi cũng không thể mãi than thân, trách phận, tôi buộc phải mạnh mẽ để lo cho con” – chị Hiếu tâm sự.
Nghỉ công việc giữ kho và quản lý thu mua cho nhà hàng với một nguồn thu nhập tốt và ổn định, chị Hiếu chọn về làm nghề giúp việc để có thời gian chăm lo, đưa đón con đi học. “Cả nhà cũng chuyển tới căn nhà trọ xa tít ở ngoại thành Hà Nội với giá 600.000 đồng/tháng, để có thêm kinh phí lo cho con theo học trường cho trẻ câm điếc ở quận Thanh Xuân” – chị Hiếu tâm sự.
Nét vẽ toát lên sự ấm áp
Năm 2016, khi Long bắt đầu đi học vẽ ở trung tâm, đứa con thứ 2 mới lên 5, thì chồng mất trong một lần tai nạn giao thông, chị Hiếu phải một mình gồng gánh nuôi con với đủ thứ chi phí: Tiền học của con, tiền thuê nhà, tiền chữa bệnh… “Khi bố cháu mất, tôi chống chếnh. Long mới theo lớp học vẽ được một buổi thì phải dừng lại” – chị Hiếu cho biết.
 
Ai mách chỗ nào học vẽ với giá hợp lý hoặc được giao lưu vẽ miễn phí là chị Hiếu lại đưa Long đến. Hàng ngày, chị di chuyển từ 65 - 70km để đưa con đi học ở trường dành cho trẻ đặc biệt (Cao đẳng Sư phạm T.Ư), đến các trung tâm học vẽ, đi làm… nhưng vẫn cố gắng chịu đựng, vì thấy Long tiến bộ rất nhiều trong các nét vẽ.
Tháng 11/2016, tham gia cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em", Long đã giành giải đặc biệt và bức tranh được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Một thành viên ban giám khảo đã nhận dạy vẽ miễn phí cho Long. Đặc biệt, với sự trong trẻo đầy cảm xúc, tranh của Long luôn cho người xem một cảm giác ấm áp trong từng nét vẽ, ví như vẽ phố Châu Long một ngày nắng, bếp lửa ấm áp, cúc họa mi khiêm nhường…
Làm việc thiện để giữ phúc cho con
Khi thấy một người bạn giới thiệu vào chương trình bán đấu giá tranh của cộng đồng Vietnam Art Space để ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, chị Hiếu đã nói với Long: “Nhiều người từng hỏi mua bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” của con nhưng mẹ không bán, vì muốn giữ lại để sau này khi con có triển lãm sẽ mang ra trưng bày. Thế nhưng, giờ mình muốn góp quỹ, không có tiền mặt thì mình mang tranh ra bán để ủng hộ con nhé”.
Theo quy định của chương trình thuộc nhóm Vietnam Art Space, 70% số tiền bán tranh sẽ dành ủng hộ Quỹ Chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Hai mẹ con chị Hiếu cũng sẵn sàng đóng góp 70% như các họa sĩ khác nhưng khi biết chị dành số tiền còn lại cho ca phẫu thuật xương của Long vào tháng 8/2020 (với chi phí khoảng 70 – 80 triệu đồng) thì Ban tổ chức đã đồng ý trích 50%.
Ngoài ra, có họa sĩ và thành viên Ban tổ chức còn ngỏ ý hỗ trợ cho ca phẫu thuật của Long thêm 5 triệu đồng. “Long bị thiếu hụt xương mu bàn chân bẩm sinh nên mỗi lần nhấc bước đi cháu thấy rất đau và khó khăn để có thể di chuyển. Ngoài ra, con tôi còn liệt cơ trong, năm 2018 con đã được mổ nối cơ miễn phí nhờ tấm lòng hảo tâm của mọi người. Ca mổ xương lần này phức tạp hơn nên chi phí cũng cao. Xong tôi cũng phải cố gắng cho cháu phẫu thuật, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tự chủ đi lại của con sau này” – chị Hiếu cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia một chương trình đấu giá tranh của nhóm Vietnam Art Space, chị Hiếu còn cùng con gửi bức ký họa “Phố Châu Long” cho nhóm Usk Hà Nội để tiếp tục tham gia bán đấu giá ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ.
“Giờ đây, Long đã có thể tự kiếm tiền từ những bức tranh của mình để trang trải cho việc mua khung tranh và màu vẽ. Căn nhà thuê cũ có 15m2, không đủ chỗ cho con để màu, giá vẽ nên tôi vừa chuyển đến một căn nhà trọ rộng hơn ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Mẹ con tôi thấy cuộc sống thế là ổn nên cũng muốn góp sức vào các chương trình ý nghĩa, để tạo phúc cho con” – chị Hiếu bày tỏ.

"Cứ mỗi lần thấy con ngả lòng mình ú ớ ra ký hiệu: Sau này Long lớn Long vẽ tranh bán kiếm tiền mua nhà cho mẹ, tôi lại thấy cuộc đời với tôi thế là hạnh phúc, vì có được những đứa con ngoan. " - Chị Phùng Thị Hiếu


"Bức tranh Nam Long vẽ về một căn biệt thự cổ của Hà Nội được kịp thời gửi đến khi phiên đấu giá còn 2 canh giờ là chốt phiên. Bức tranh ngay lập tức nhận được lời đặt mua của 2 nhà sưu tập. Cuối cùng, chúng tôi đã chốt bán cho một nhà sưu tập giấu tên với giá 25 triệu đồng." - Trưởng nhóm Vietnam Art Space, họa sĩ Thảo Hiền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần