Mê Linh chấn chỉnh kỷ cương

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để siết chặt kỷ luật công vụ, huyện Mê Linh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt từ huyện đến xã, không chỉ trong chỉ đạo, điều hành, mà cả trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường dịch vụ công trực tuyến...

Song thực tế cho thấy, huyện vẫn cần nỗ lực nhiều để ngày càng nâng cao sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Siết kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai tới mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) từ huyện đến xã tới cán bộ phụ trách bộ phận Một cửa (BPMC) về kế hoạch thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” và quy tắc ứng xử của CBCCVC, NLĐ. Trong đó, yêu cầu các phòng, ban, UBND xã, thị trấn cam kết thực hiện: Mỗi công việc có một bộ phận hoặc cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ, kết quả thực hiện; mọi CBCCVC, NLĐ chấp hành nghiêm thời gian làm việc; không để quá hạn, đùn đẩy công việc...

Tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Mê Linh.

8 tháng đầu năm nay, 4 đoàn kiểm tra công vụ của huyện đã kiểm tra đột xuất 18 xã, thị trấn, 12 cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp. Từ việc siết chặt kỷ cương hành chính, UBND huyện đã ban hành quyết định cảnh cáo 1 công chức văn hóa - xã hội xã Tráng Việt vi phạm kỷ cương hành chính, thường xuyên đi muộn về sớm, đang xem xét kiểm điểm một số cán bộ xã Chu Phan vi phạm kỷ cương hành chính.
Đặc biệt, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, đến nay đã có 21 TTHC cấp huyện và 1 TTHC lĩnh vực tư pháp cấp xã được xây dựng quy trình và giải quyết theo một cửa, một cửa liên thông. Nửa đầu năm nay, cấp huyện giải quyết 4.958 hồ sơ hành chính, trong đó 4.854 hồ sơ đúng hạn; cấp xã giải quyết 56.256 hồ sơ, trong đó 56.216 hồ sơ đúng hạn. Vượt nhiều khó khăn bước đầu, hết tháng 8/2017, tại các xã, thị trấn có 2.948 hồ sơ đăng ký khai sinh trực tuyến/3.188 hồ sơ tiếp nhận, 514 hồ sơ khai tử trực tuyến/563 hồ sơ tiếp nhận...
Nhờ các biện pháp tích cực này, việc giải quyết TTHC ngày càng được người dân ghi nhận. Ông Phan Xuân Tiến (khu 1, thôn Thượng, xã Đại Thịnh) đang làm xác nhận sơ yếu lý lịch tại BPMC xã chia sẻ: “Gần đây, ra UBND xã giải quyết hồ sơ hành chính, tôi luôn được hướng dẫn tận tình và thường được trả kết quả ngay, trừ hôm nào quá đông người làm thủ tục thì mới phải chờ”.
Khắc phục ngay những hạn chế
Dù đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện kỷ cương hành chính, giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh cũng cho rằng, vẫn còn không ít hạn chế mà một phần quan trọng cũng do công tác tự kiểm tra tại một số nơi chưa thường xuyên, một số CBCCVC chấp hành còn mang tính hình thức.
Đáng chú ý, qua kiểm tra BPMC huyện và một số xã, thị trấn tại Mê Linh mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành về CCHC đã nghiêm túc chỉ ra một số tồn tại mà các đơn vị cần sớm khắc phục. Cụ thể, nhiều xã chưa niêm yết đường dây nóng của TP, chưa xây dựng quy trình giải quyết theo ISO 9001:2008, chưa có kế hoạch công tác tuần, không công khai lịch tiếp công dân của lãnh đạo xã cũng như thời gian tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC. Nhất là còn một số đơn vị sử dụng lao động hợp đồng trong tiếp nhận hồ sơ hành chính, còn tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận chuyên môn chứ không ở BPMC... Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa đã đề nghị UBND huyện cần chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về cải cách TTHC, điều hành hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với hiệu quả CCHC, tăng kiểm tra CCHC, công khai TTHC và các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân.
Để giải quyết TTHC tốt hơn, cùng với nỗ lực của địa phương, UBND huyện Mê Linh cũng đề nghị UBND TP sớm bổ sung kinh phí cho huyện xây dựng, tu sửa trụ sở làm việc một số xã, thị trấn; nâng cấp hệ thống máy tính cho CBCC của UBND huyện, xã, thị trấn.