Mê Linh tái đàn lợn có kiểm soát

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện Mê Linh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng đàn lợn.

Tổng đàn bằng 45% trước khi có dịch
Huyện Mê Linh là một trong những địa phương top đầu của Hà Nội về chăn nuôi lợn. Trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tổng đàn của địa phương này lên tới hơn 60.000 con. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến khoảng 2/3 tổng đàn lợn bị tiêu hủy. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, huyện Mê Linh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tái đàn. Trong đó, tập trung hướng dẫn các nông hộ áp dụng thực hành chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn chặt chẽ, thận trọng và có kiểm soát.
 Chăn nuôi lợn tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thống kê đến nay, toàn huyện đã có 17/18 xã, thị trấn với hơn 400 nông hộ tổ chức tái đàn lợn, với tổng đàn khoảng 6.000 con. Trong đó, có 700 con lợn nái và 5.300 con lợn thịt thương phẩm. Một số địa phương có tốc độ tái đàn nhanh như: Xã Liên Mạc (2.400 con), xã Tiến Thắng (1.300 con), xã Tự Lập (400 con), xã Thanh Lâm (400 con)…
Nguồn con giống chủ yếu được sử dụng tại các nông hộ trên địa bàn hoặc các tỉnh, TP lân cận (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh). Trong đó, có khoảng 15% số nái được mua từ Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam và Trại giống Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, thống kê đến tháng 6/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 28.253 con, bằng khoảng 45% so với thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng từ đầu năm 2020 đến nay đạt khoảng 6.815 tấn, bằng gần 80% so với đầu năm 2019.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ tái đàn 
Từ nay đến cuối năm 2020, huyện Mê Linh đặt mục tiêu tăng tổng đàn lợn lên 31.700 – 34.446 con. Để làm được điều này, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, xa khu dân cư, theo vùng quy hoạch. Đặc biệt là chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.
Thời gian qua, công tác giám sát dịch bệnh được huyện Mê Linh triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, hộ chăn nuôi lợn. Định kỳ sau đợt tiêm phòng, địa phương tổ chức lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm, đánh giá khả năng bảo hộ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã tiêm vaccine lở mồm long móng, dịch tả Nhật, bệnh tai xanh... cho hơn 10.100 lượt con lợn.
Nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn lợn, huyện cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ việc lưu thông, buôn bán lợn. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị chức năng của huyện đã xử phạt 6 trường hợp vận chuyển lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch; xử phạt vi phạm với tổng số tiền 42 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, công tác tái đàn lợn trên địa bàn hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do con giống lợn đang khá khan hiếm, kéo theo giá con giống cao. Ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn vốn của nhiều nông hộ gần như cạn kiệt. Bên cạnh đó, dịch bệnh nguy hiểm này vẫn chưa có vaccine nên một bộ phận người chăn nuôi còn tâm lý dè dặt trong tái đàn…
Để thúc đẩy công tác tái đàn lợn trong thời gian tới, huyện Mê Linh kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét hỗ trợ vaccine dịch tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn thịt. Đặc biệt là sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ con giống sinh sản nhằm khuyến khích các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện nói riêng, TP nói chung thực hiện tái cơ cấu sản xuất và phát triển đàn lợn.