“Méo mặt” trông con nghỉ Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, Tết Nguyên đán năm nay, học sinh mầm non, tiểu học, THCS… sẽ được nghỉ từ 27/1 đến hết ngày 9/2 (14 ngày).

Việc học sinh được nghỉ dài ngày sẽ gây khó khăn cho nhiều phụ huynh trong việc trông giữ và chăm sóc trẻ…

Con vui, phụ huynh lo

Do có 2 cô con gái đều trong độ tuổi mẫu giáo nên khi nghe tin các con sẽ được nghỉ Tết 2 tuần, anh Lê Xuân Tùng ở khu đô thị mới Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội như ngồi trên đống lửa. Bố mẹ hai bên đều ở xa, anh Tùng phải trực cơ quan thường xuyên nên việc chăm sóc, đưa đón các con hầu như do một mình vợ anh đảm nhiệm. Trong khi đó, vợ anh Tùng đến 29 Tết mới được nghỉ Tết, mùng 5 đã đi làm trở lại nên anh Tùng chưa biết tính thế nào. Anh Tùng chia sẻ: “Tôi đã gọi điện nhờ ông bà nội lên trông cháu giúp mấy ngày Tết nhưng ông bà bận nhiều việc, không đi được. Ở gần nhà tôi có một điểm giữ trẻ tư nhân  nhận trông trẻ trong dịp này nhưng tôi không dám gửi con vì không biết chất lượng chăm sóc ở đó thế nào. Cứ nghĩ đến Tết mà nóng cả ruột”.

 
Nhiều gia đình vất vả tìm chỗ gửi con dịp sát Tết.
Nhiều gia đình vất vả tìm chỗ gửi con dịp sát Tết.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, do nhà neo người, chồng hay đi công tác xa nhà, nên chị Lê Hải Thanh – nhân viên kế toán ở đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy phải thuê người giúp việc chăm sóc và đưa đón 2 cậu con trai (4 tuổi và 7 tuổi) đi học. Năm nay, lấy lý do nhà có việc nên người giúp việc nhà chị Thanh dự định xin về quê từ 25 Tết, trong khi đó, 2 cậu con trai của chị hết ngày 24 đã được nghỉ nên chị Thanh chưa biết xoay xở thế nào.

“Nhìn các con phấn khởi vì được nghỉ Tết 2 tuần tôi cũng rất vui vì đây là khoảng thời gian hiếm hoi để các cháu được vui chơi ở nhà. Tuy vậy, cuối năm, hết việc cơ quan lại lo dọn nhà, sắm Tết, đồng thời phải trông 2 ông con nghịch ngợm, hiếu động nên tôi rất lo. Năm trước, do mải việc không để ý, con trai bé của tôi bị bỏng do ngã vào chậu nước sôi khiến tôi ân hận mãi. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi dự định cho các con về quê nhờ ông bà trông giúp nhưng do ông bà đã già yếu nên tôi vẫn thấy bất an”…

Để  tiết kiệm chi phí, một số gia đình có cùng hoàn cảnh đã tập hợp nhiều trẻ lại và nhờ người trông trẻ có uy tín trông giúp với mức thù lao khá cao. Chị Đào Thu Hoài ở khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm cho biết, nhà chị có tổng cộng 6 trẻ (con chị và con 2 cô em gái) nên đã thuê một cô giáo tiểu học nghỉ hưu đến nhà trông trẻ. Cô không chỉ cho bọn trẻ chơi, ăn uống mà còn có thể giúp chúng ôn bài khiến các cháu vui mà phụ huynh cũng yên tâm.

Không gửi con được cho người thân, có phụ huynh đã tính đến phương án đưa con đến cơ quan. Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp cực chẳng đã bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng làm việc của cha mẹ mà còn khiến trẻ cảm thấy bức bối, căng thẳng vì bị buộc phải ngồi yên một chỗ. Ngoài ra, một số phụ huynh còn đưa con đến trường tư thục để gửi.

Thận trọng kẻo tiền mất…

Trước nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường công lập (đặc biệt là trường mầm non) vẫn phải từ chối, mặc dù việc tăng cường giữ trẻ ngày cận Tết không chỉ giúp cha mẹ học sinh yên tâm làm việc mà giáo viên cũng có điều kiện tăng thêm thu nhập. Bởi trên thực tế, điều này không hề đơn giản do họ sẽ phải duy trì hoạt động của cả một bộ máy gồm ban giám hiệu, giáo viên, cấp dưỡng, bảo vệ... trong khi đó số trẻ đăng ký lại không đáng kể.

Trái ngược với các trường công, hiện một số điểm trông giữ trẻ tư nhân đã  đưa ra các chương trình quảng cáo khá hấp dẫn về việc nhận trông giữ trẻ vào giáp Tết với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, do các vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra tại một số cơ sở mầm non tư thục đã các phụ huynh mất niềm tin vào các cơ sở này. Trên một số trang mạng, những thông tin quảng cáo như “giáo viên mầm non có kinh nghiệm nhận giữ trẻ trước và sau Tết. Có thể làm việc ngay từ bây giờ tới mùng 10 tết âm lịch, chi phí thỏa thuận”… cũng xuất hiện khá nhiều. Tuy vậy, nếu không thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin, các bậc cha mẹ có thể nếm phải “quả đắng”. Trường hợp của gia đình anh Vũ Xuân Thành ở đường Kim Mã, quận Ba Đình là một ví dụ. Năm trước, do không có người trông con mấy ngày giáp Tết, anh Thành đã gọi điện đến 1 trung tâm để thuê người. Song, chỉ được 2 ngày, khi vợ chồng anh Thành ra khỏi nhà, tranh thủ lúc con anh Thành chạy sang nhà hàng xóm chơi, người trông trẻ này đã…đánh bài chuồn cùng toàn bộ số tiền công 10 ngày anh Thành đã thanh toán và khá nhiều quần áo đắt tiền của gia chủ.

Ông Đặng Hùng Thắng - Giám đốc một công ty chuyên cung cấp người giữ trẻ ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Trong dịp Tết, giá trông trẻ là 150.000 đồng/ngày, ngoài ra khách hàng còn phải thanh toán phí môi giới là 500.000 đồng. Trung tâm có nhân viên ở mọi lứa tuổi, nhận trông trẻ tại nhà từ ngày 20 đến mùng 10 Tết. Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu phải ký hợp đồng và đặt cọc trước đề phòng trường hợp quá tải, công ty sẽ khóa sổ sớm. Để tránh những rủi ro đáng tiếc, khách hàng cần đến những địa chỉ có uy tín, ký hợp đồng rõ ràng, tìm hiểu kỹ thông tin của người mình định thuê, nên tìm những người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ và thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản trong gia đình…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần