Méo mặt vì giá thịt lợn

Phương Nga - Thảo Trần - Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thịt lợn tăng cao từng ngày kéo theo các dịch vụ ăn uống, hàng hóa liên quan đến loại thực phẩm này cũng tăng giá theo.

Việc cân đối lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm gia đình, bữa ăn bán trú đang là bài toán đau đầu của nhiều bà nội trợ cũng như trường học.
Giá thực phẩm nhảy múa
Từ đầu tháng 11 đến nay, giá thịt lợn liên tục tăng nhanh. Tại nhiều địa phương, giá lợn hơi vượt mức 75.000 đồng/kg, thậm chí có nơi xuất bán với giá 80.000 đồng/kg. Mức giá kỷ lục này đẩy giá thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội lên mức rất cao, dao động từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng cao khiến cho các dịch vụ ăn uống chế biến từ thịt lợn cũng tăng theo.
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh đồ ăn trên địa bàn Hà Nội ngày 25/11 cho thấy, mức tăng giá phổ biến vào khoảng 3.000 – 7.000 đồng/suất.
Thịt lợn bày bán tại siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Có thể kể tới như bún mọc tăng khoảng 5.000 đồng/bát, dao động quanh mức 30.000 – 40.000 đồng/bát; bánh mì Doner kebab đang từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc đã tăng lên thành 25.000 đồng/chiếc; bánh mì pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; bún chả đang có giá 25.000 đồng/suất đã tăng giá lên 30.000 – 35.000 đồng/suất...
Lý giải về việc tăng giá, chị Nguyễn Thị Hương, chủ một quán bún ở khu The Spark Dương Nội (Hà Đông) cho biết: “Trước đây thịt lợn chỉ có giá từ 70.000 – 90.000 đồng/kg nhưng nay đã tăng lên thành 150.000 đồng/kg. Dù biết lên giá thì dễ mất khách nhưng nếu không tăng thì cửa hàng không có lãi vì chi phí đầu vào cao quá”. Tương tự, tại quán Cơm Ngon trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), mỗi suất cơm cũng tăng lên khoảng 5.000 đồng/suất. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ quán cơm chia sẻ: “Với giá cả thực phẩm leo thang từng ngày như hiện nay buộc chúng tôi phải tăng giá mỗi suất cơm lên. Còn nếu không sẽ phải rút lượng thức ăn ở mỗi suất, để đảm bảo đủ chi phí và có chút lãi”.

Không chỉ dịch vụ ăn uống tăng giá, các loại thực phẩm thay thế khác cũng đồng loạt tăng giá. Đơn cử như giá ngan tăng từ 55.000 đồng/kg lên thành 65.000 đồng/kg; giá vịt từ 45.000 – 50.000 đồng/kg tăng lên thành 60.000 đồng/kg; giá gà ta từ 80 - 90.000 đồng/kg tăng lên thành 120.000 đồng/kg; giá cá tăng trung bình 5.000 – 10.000/kg…
Chị Minh Hòa, tiểu thương bán cá tại chợ Hà Đông cho biết, khoảng 2 tuần nay, mỗi kg cá chị bán ra đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng. Cụ thể, cá chép có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg; cá trắm có giá 80.000 – 90.000 đồng/kg; cá rô phi có giá 55 – 60.000 đồng/kg… “Cách đây một tháng, tôi chỉ cần mua 50.000 đồng tiền thịt lợn là cả nhà ăn đủ một ngày nhưng nay số tiền đó là không đủ” – chị Mai Hương, phường Quang Trung, quận Hà Đông chia sẻ.
Để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường. Nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này.
Giải pháp nào cho bữa ăn bán trú?
Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao như hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội gặp khó khi phải tính toán cho bữa ăn bán trú vừa phù hợp với giá cam kết, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng, vi chất cho học sinh. Hàng ngày, trường Tiểu học Dịch vọng B (quận Cầu Giấy) lo cho hơn 2.500 suất ăn bán trú với giá 28.000 đồng/2 bữa ăn bán trú (gồm thực phẩm, công nấu, chất đốt, thuế).
Tuy nhiên, hiện nay, trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn bán trú vì giá thực phẩm tăng cao, nhất là giá thịt lợn. Qua đó, trường Tiểu học Dịch vọng B mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ thuế, giảm bớt chi phí, đảm bảo bữa ăn bán trú luôn đủ dinh dưỡng, tăng sự phát triển về thể lực cũng như sức khỏe cho học sinh.
Trong khi đó, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), Teo Thị Thanh Mai cho rằng, giá thịt lợn tăng mạnh khiến việc mua bán đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho bữa ăn bán trú gặp khó khăn.
Nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh và nhà cung ứng khắc phục bằng cách thực đơn giảm số lượng món ăn nhưng không đáng kể hoặc thay thế bằng thực phẩm khác (thịt gà, cá, đậu phụ, trứng…) vẫn đảm bảo bữa ăn chất lượng cho học sinh.
Là đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội từ nhiều năm nay, Công ty CP Hương Việt Sinh đã chủ động nguồn thực phẩm chế biến từ rất nhiều nơi cung cấp. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hương Việt Sinh Bùi Quang Hữu cho biết, tháng 9/2019, Công ty phối hợp với Viện Y học ứng dụng Việt Nam nghiên cứu bộ thực đơn “Dinh dưỡng cho bữa ăn học đường”. Trong đó, giá thành thấp nhất của một bữa ăn phổ biến trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/bữa.
Đến nay, giá thị trường luôn luôn biến động theo hướng tăng lên. Chi phí nhân công cũng càng gia tăng nên dẫn đến giá thành mỗi suất ăn cũng tăng cao. Để đảm bảo đủ chất và lượng từng bữa ăn cung cấp cho nhà trường, công ty cũng mong có sự hỗ trợ của các ban ngành, cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu tạo điều kiện cho DN.

"Hiện tại giá bữa ăn bán trú không đổi, tuy nhiên, nếu cuối năm giá cả tiếp tục biến động mạnh, trường sẽ khảo sát, xin ý kiến phụ huynh và nhà cung cấp có nên tăng tiền ăn bán trú hay không? Với mức tiền ăn bán trú như hiện nay, nhiều phụ huynh cho rằng, bữa ăn của các con sẽ không đủ chất và dinh dưỡng như trước kia. " - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) Teo Thị Thanh Mai


"Thời điểm giá thịt lợn tăng cao như hiện nay, phụ huynh sẵn sàng ủng hộ nếu nhà trường đề xuất tăng giá tiền để đảm bảo bữa ăn bán trú đa dạng, phong phú, đủ vi chất." - Chị Nguyễn Thúy Hằng (quận Cầu Giấy)