Miền Bắc đón Tết trong giá rét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư đã tổ chức hội thảo...

Kinhtedothi - Ngày 16/1, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư đã tổ chức hội thảo "Thông tin khí tượng thủy văn phục vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai". Các chuyên gia khí tượng đã đưa ra nhận định xu thế thời tiết dịp Tết Nguyên đán và cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng ở nước ta.

Năm 2013, gia tăng thời tiết cực đoan

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biển đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

 
Theo dự báo, miền Bắc sẽ đón Tết trong thời tiết rét đậm. Ảnh: Văn Phúc
Theo dự báo, miền Bắc sẽ đón Tết trong thời tiết rét đậm. Ảnh: Văn Phúc
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, trong năm 2013, tình hình thời tiết trên phạm vi toàn quốc rất phức tạp, nhiều hiện tượng thời tiết kỷ lục đã xảy ra. Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) năm 2013 đã xuất hiện sớm trên Biển Đông ngay từ tháng 1 và tháng 2/2013. Trong năm 2013 đã có 14 cơn bão và 5 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với số liệu trung bình nhiều năm. Trong đó, có đến 9 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và trong số 5 ATNĐ, có 1 ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (ATNĐ tháng 11). Đây cũng là năm có số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhiều nhất trong vòng 50 năm qua. Nắng nóng xuất hiện phù hợp với quy luật hàng năm, tuy nhiên trong tháng 5/2013, một số nơi tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đã có giá trị nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1960 đến nay. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, mưa tuyết ở Lào Cai, lũ quét và sạt lở đất xảy ra liên tục ở nhiều địa phương.

Mưa phùn, gió bấc ngày Tết

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, miền Bắc sẽ đón Tết Nguyên đán trong tiết trời rét đậm, với dạng thời tiết đặc trưng "mưa phùn, gió bấc". Khoảng ngày 27 - 28/1 (tức 27, 28 Tết), miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu, do vậy nền nhiệt độ không giảm nhiều. Sau đó, không khí lạnh suy yếu nhanh và nền nhiệt tăng dần trở lại. Khoảng ngày 30/1 - 3/2 (tức 30 Tết đến mùng 4 Tết), đêm và sáng trời rét, có mưa vài nơi, ngày hửng nắng. Đến khoảng ngày 4 - 5/2 (tức khoảng mùng 5 - 6 Tết), các tỉnh miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh mới, miền Bắc chuyển rét. Nhiệt độ trong những ngày Tết thấp nhất từ 8 - 10oC, vùng núi cao có nơi thấp hơn; nhiệt độ cao nhất từ 22 - 24oC.

Thời tiết dịp Tết ở miền Bắc biến động không nhiều, trời rét nhẹ vào đêm và sáng, ngày có nắng nhẹ, nên người dân có thể lên kế hoạch cho những chuyến du xuân, đón Tết. Các tỉnh Trung Bộ thời tiết không biến đổi lớn, riêng khu vực Trung Trung Bộ có thể có mưa nhỏ trong những ngày trước Tết, sau đó những ngày trong Tết giảm mưa, thời tiết tốt. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết ổn định, ít mưa, ngày có nắng.

Nhận định xu thế thời tiết mùa đông - xuân 2013 - 2014, chuyên gia khí tượng cho biết, trong những tháng đầu năm 2014, bão và ATNĐ vẫn có khả năng xuất hiện, hoạt động trong khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến vùng biển phía Nam và khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Các đợt rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc vẫn có khả năng xảy ra trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2. Tuy nhiên, ít có khả năng kéo dài như đợt rét cuối tháng 12 vừa qua. Về lượng mưa, tại Bắc Bộ trong tháng 1, tháng 2 phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, đến tháng 3 và 4 có thể cao hơn. Vì vậy khả năng vụ đông xuân 2013 - 2014, hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thiếu hụt khoảng 10 - 40% lượng nước vào tháng 2; tháng 3, tháng 4 thiếu khoảng 5 - 10%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần