Miền đất vàng của doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Xét về vị trí địa lý, điều kiện thời tiết, khí hậu, ngồi ở Jakarta, Singapore không khác ở Manila hay Bangkok… riêng Hà Nội lại có đặc trưng thời tiết 4 mùa, có không gian văn hóa tiểu vùng, có rất nhiều giá trị về văn hóa lịch sử. Hà Nội có lợi thế để trở thành trung tâm du lịch, thương mại, kinh tế lớn của không chỉ Việt Nam mà cả khu vực”.

 Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Đây là cảm nhận của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về môi trường kinh doanh và tiềm năng, cơ hội thu hút đầu tư của Hà Nội.

Nỗ lực cải thiện kinh doanh

Qua 3 lần tổ chức “Hội nghị đầu tư Hà Nội” ông đánh giá thế nào về cách làm cũng như nỗ lực của lãnh đạo TP Hà Nội trong thu hút đầu tư?

- Những năm gần đây, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xúc tiến thương mại của Hà Nội được làm khá bài bản và có hiệu quả thiết thực. Trong hoạt động thu hút đầu tư, Hà Nội đã tổ chức được các hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn tập hợp đông đảo cộng đồng DN trong và ngoài nước tham gia. Tại các hội nghị này, Hà Nội đã giới thiệu tổng thể về môi trường đầu tư kinh doanh, những chính sách, biện pháp mới để mời gọi các nhà đầu tư (NĐT) với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước… Có thể xem đây là những chiến dịch quảng bá tổng thể về đầu tư Hà Nội.

Hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nội đã không chỉ dừng lại ở mức độ năm mà là hoạt động thường xuyên. Đó là xúc tiến theo chuyên đề, với từng nhóm DN trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu… và với từng NĐT. Phải nói rằng lãnh đạo TP Hà Nội đã rất tích cực, các NĐT đánh giá rất cao sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP Hà Nội.
  Trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Hùng
Những năm qua, các chỉ số xếp hạng về cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính của Hà Nội liên tục được cải thiện, theo ông còn có những mặt nào cần phải khắc phục trong thời gian tới của Hà Nội?

- Đứng thứ 13/63 tỉnh, thành, nằm trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội trong những năm gần đây. Tuy vậy một số chỉ số thành phần cần thời gian, nỗ lực cải thiện nhiều hơn như tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí không chính thức, thiết chế pháp lý...

Cơ chế đặc thù cho Hà Nội cũng là cho cả nước

Trao cơ chế đặc thù cho Hà Nội sẽ có hiệu quả lớn, tạo động lực bứt phá cho cả nước. Việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ mang lại sự "giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cả nước". “Cả nước vì Hà Nội” thì Hà Nội cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Các nhóm đặc thù có thể gồm: Công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - NSNN; và cơ chế ủy quyền của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý. (ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc)
Ngoài ra, để tạo lập môi trường đầu tư năng động, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn hơn nữa, chính quyền TP cần có sự quyết liệt hơn trong công tác chấn chỉnh lề lối làm việc, cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các Hiệp hội hơn nữa, đồng thời tăng cường sự liên kết của các Hiệp hội để qua đó gắn kết DN ở từng lĩnh vực, từng nhóm vấn đề. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VCCI sẽ điều phối trong hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược của Việt Nam. VCCI sẵn sàng hợp tác, đồng hành với UBND TP và các Hiệp hội để thực hiện các chương trình xúc tiến riêng cho Hà Nội.

Vai trò đầu tàu của Hà Nội

Là người thường xuyên tiếp xúc với DN, ông thấy cộng đồng DN mong muốn gì khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Hà Nội?

- Hà Nội đang là một trung tâm kinh tế lớn có tiềm năng nhất trong cả nước. Chúng ta đang hướng đến kinh tế tri thức, nền kinh tế thông minh, Cách mạng 4.0, đang nói đến một cơ cấu kinh tế với sự dẫn dắt của KHCN, của trí thức. Hà Nội tập trung đội ngũ các nhà khoa học, văn hóa, là cái nôi tốt nhất để hình thành phát triển một trung tâm khởi nghiệp, một TP khoa học công nghệ, TP thông minh của cả nước.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình:Sẵn sàng đồng hành vì Hà Nội hiện đại

"Theo kế hoạch hợp tác với TP Hà Nội năm 2018, FPT cùng với VNPT, Viettel và MobiPhone tham gia triển khai hạ ngầm cáp bê tông, góp phần chỉnh trang đô thị Hà Nội hiện đại. FPT rất mong muốn đóng góp cho Thủ đô Hà Nội trở thành một TP thông minh, hiện đại. Hiện tại, FPT đang triển khai đúng tiến độ, hoàn thành trên 80% các dự án đã đăng ký. Thời gian tới, FPT tiếp tục đầu tư để hạ ngầm làm chỉnh trang Thủ đô giai đoạn 2. Về công nghệ thông tin, FPT đã sẵn sàng rất nhiều giải pháp, đặc biệt vấn đề về giao thông thông minh, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình điều tiết giao thông. Theo tôi, cộng đồng DN nhìn thấy rất rõ, TP Hà Nội đang trở nên năng động, sáng tạo, hấp dẫn hơn; mong muốn có nhiều đóng góp cho một Thủ đô phát triển bền vững và hiện đại."

Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster: Tăng cường hậu cần vận tải để thu hút đầu tư

"Một ý tưởng tôi đã đưa ra với chính quyền TP là tăng cường lĩnh vực hậu cần vận tải, theo đó xây dựng Hà Nội theo mô hình một “đô thị sân bay”. Trong đó sân bay là hạt nhân, được bao quanh bởi vùng kết nối sân bay với hệ thống cơ sở hạ tầng, kho hàng, bến bãi, giao thông công cộng, khách sạn được xây dựng đồng bộ. Tương tự với Hà Lan, Việt Nam là một quốc gia đồng bằng châu thổ do đó cần các kết nối sâu vào các khu vực trong đất liền. Những nỗ lực này sẽ hỗ trợ đáng cho quá trình thúc đẩy tăng trưởng, khiến Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế."

Kitagawa Hironobu - Trưởng VPĐD Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: Tăng cường nguồn thông tin cho DN nước ngoài

"Hà Nội đã đưa ra kế hoạch phát triển tới năm 2020, tầm nhìn 2030, tuy nhiên cộng đồng DN Nhật Bản vẫn cần có thêm các thông tin để có thể đưa ra hướng đầu tư cụ thể hơn. Theo tôi, Hà Nội có thể tổ chức các sự kiện hội thảo giới thiệu về môi trường đầu tư tại Nhật Bản, điều này sẽ giúp hỗ trợ DN Nhật Bản có thêm thông tin về môi trường đầu tư của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, phần lớn các DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, do đó nếu Hà Nội cần cụ thể những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao."

Các DN đầu tư vào Hà Nội đều biết cơ sở hạ tầng của Hà Nội tốt nhưng mặt bằng đất đai bị hạn chế và nhiều chi phí của Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành khác. Đối với một số mặt hàng ví dụ như dệt may, giày dép… đầu tư vào Hà Nội sẽ không hiệu quả bằng các tỉnh, thành có chi phí lao động, mặt bằng rẻ hơn. Nên khi đến Hà Nội, các DN mong muốn đầu tư vào ngành công nghệ cao (CNC). Hà Nội sẽ là mảnh đất tốt nhất cho đầu tư khởi nghiệp của cả nước. Tôi biết nhiều NĐT hàng đầu trên thế giới đang muốn đầu tư vào lĩnh vực CNC, bao gồm cả nông nghiệp CNC. Đây là lợi thế của Hà Nội vì Hà Nội có thể gắn kết tạo ra chuỗi liên kết với các địa phương lân cận, qua đó thúc đẩy phát triển cho cả vùng.

Ông có đồng tình với ý kiến một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện vẫn đang ở mức tiềm năng? Theo ông, mô hình hoàn hảo cho Hà Nội là gì?

- Thực tế, không phải đến bây giờ, vị thế này của Hà Nội mới được khẳng định. Song trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, khi nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, hơn lúc nào hết, Hà Nội càng phải thể hiện được vai trò dẫn đầu, vai trò liên kết, dẫn dắt nền kinh tế.

Cũng bởi những mục tiêu ấy, thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ không thể như các địa phương khác trong cả nước, có nghĩa không gật đầu với các dự án thâm dụng lao động, hay chấp nhận những dự án có công nghệ lạc hậu, mà phải hướng đến CNC, hướng đến các ngành dịch vụ hiện đại, các dự án hạ tầng quy mô lớn, đủ sức làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt Thủ đô…

Điểm đáng nói, Hà Nội đang có lợi thế để trở thành một TP lớn có điểm đặc thù khác biệt so với các nước ASEAN. Nếu xét về địa kinh tế, chính trị, khí hậu, thời tiết, các TP lớn trong khu vực này đều nóng như TP Hồ Chí Minh, ngồi ở Jakarta, Singapore không khác ở Manila hay Bangkok... Riêng Hà Nội lại có đặc trưng thời tiết 4 mùa, có không gian văn hóa tiểu vùng khí hậu, có rất nhiều giá trị về văn hóa lịch sử, du lịch.

Với không gian lợi thế như vậy, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành trung tâm thương mại, kinh tế, du lịch lớn của cả khu vực. Vì vậy, Hà Nội phải hướng đến một tầm nhìn, một khát vọng vươn lên mạnh mẽ để trở thành trung tâm của cả khu vực. Tôi cho rằng lãnh đạo TP đều đã nghĩ đến điều này và sẽ có kế hoạch mạnh mẽ thúc đẩy, hiện đã có một số dự án lớn đang theo hướng đó.

Hà Nội hướng tới nằm trong top 10 xếp hạng chỉ số PCI, phát triển 400.000 DN. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Với những động thái cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tìm ra những mô hình mới, sáng kiến cải cách thể chế cũng như những nỗ lực trong thúc đẩy hoạt động DN, Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đặt ra.

TP cần khai thác tốt nhất lợi thế tiềm năng để phát triển. Tập trung phát huy lợi thế cơ cấu kinh tế hiện đại, điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất để phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ; phát huy nguồn vốn đầu tư trong, ngoài nước mạnh hơn nữa. TP cần xác định vai trò quan trọng hàng đầu của động lực cạnh tranh cần phải công khai, minh bạch. Sớm công bố quy hoạch, thông tin cụ thể về các danh mục dự án, có chính sách cụ thể để thu hút DN đầu tư. Qua đó, tạo sự đột phá từ khâu quy hoạch, đến huy động vốn, tổ chức triển khai…

Xin cảm ơn ông!

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh: Chọn mô hình điểm để nhân rộng

"Đội ngũ DN nhỏ và vừa đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời, họ luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong việc tích cực tham gia đồng hành cùng TP trong các chương trình an sinh xã hội. Theo đánh giá của các DN, vấn đề xã hội hóa các dự án đã đặt lợi ích các bên để thu hút đầu tư, nhất là với những công trình vui chơi, hồ điều hòa, trường học... Nếu nghiêng về nhà nước thì thiệt hại nhà đầu tư, còn nếu nghiêng về nhà đầu tư thì ảnh hưởng tới cộng đồng. Hà Nội đã hài hòa các lợi ích chung nhằm hút đầu tư, nhưng mong sẽ tập trung và chọn mô hình điểm để nhân rộng.

Để có được điều đó, những năm qua, từ người lãnh đạo TP, đến các cấp, các ngành đã quyết tâm vào cuộc, đồng hành chia sẻ với những khó khăn của DN. Các thủ tục hành chính đã đạt được mức độ 3 và 4, các thủ tục đều thực hiện trực tuyến như đăng ký kinh doanh chỉ tối đa 3 ngày, giúp DN giảm chi phí về thời gian, cũng như tạo điều kiện sớm gia nhập thị trường, giúp tăng sự liên kết hợp tác giữa DN, bước đầu tạo cơ hội hình thành chuỗi giá trị cho DN nhỏ và vừa… Ngoài ra, ngành ngân hàng đã tháo gỡ nhiều cho DN về thủ tục vay vốn bằng giải pháp cùng DN xây dựng dự án và phương án sản xuất kinh doanh; ngành thuế và hải quan đã đổi mới nhiều trong thủ tục làm giảm thời gian cho DN.

Hội nghị 2016, 2017 đã rất thành công sẽ là tiền đề cho năm 2018 khi có bước chuyển mạnh mẽ từ cơ chế chính sách, đến tư duy hành động hiệu quả hơn. Khi các khó khăn của DN được tháo gỡ, những ngành chủ lực có DN đàn anh dẫn dắt để Hà Nội dẫn đầu cả nước, góp phần vào mục tiêu 1 triệu DN hoạt động bền vững vào năm 2020."

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam M. Zamruni Khalid: Tiềm năng du lịch giữa Hà Nội và các địa phương của Malaysia còn rộng mở

Tiềm năng phát triển du lịch giữa Hà Nội và Malaysia vẫn còn rộng mở. Thủ đô Hà Nội với những nét văn hóa đặc trưng và các cụm di tích lịch sử mang nét riêng biệt, cần được phát huy nếu muốn hướng đến phát triển du lịch bền vững. Tôi cho rằng, để trở thành trung tâm du lịch của Đông Nam Á nói riêng và khu vực nói chung, Hà Nội có thể tăng cường đầu tư vào phát triển ngành dịch vụ bán lẻ, hệ thống trung tâm thương mại, song song với đó là lưu giữ bảo tồn các nét văn hóa.


Ông Marc Mealy - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ - ASEAN: Nhu cầu trong nước về loại hình sản phẩm mới đang tăng trưởng nhanh chóng

Cùng với việc tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và tốc độ tăng trưởng GDP mạnh, Hà Nội đang tạo ra sức hút đối với vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, với sự tăng trưởng về số lượng các công ty khởi nghiệp (start-up) theo định hướng sáng tạo/công nghệ cho thấy mức độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới.

Hiệp đội DN Hoa Kỳ - ASEAN luôn sẵn sàng cung cấp những giải pháp và kiến nghị với Chính phủ để giúp tăng vai trò của khu vực tư nhân trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở Việt Nam.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun: Doanh nghiệp Hàn Quốc thấy được tiềm năng lớn của Việt Nam và Hà Nội

Quyết định chuyển trụ sở Cơ quan xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA) ở khu vực Đông Nam Á từ Singapore sang Hà Nội là một trong những minh chứng cho khả năng trở thành khu vực trung tâm của châu Á và toàn cầu trong tương lai của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền Hà Nội sẽ tạo điều kiện xây dựng một cơ sở tập trung các cơ quan đại diện thương mại và DN Hàn Quốc như Korcham, Kotra… tại Hà Nội để đạt hiệu quả cao trong hoạt động, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư Hàn Quốc vào Thủ đô.


Ông John Goyer - Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á, Phòng Thương mại Mỹ: Thể chế pháp luật hiệu quả sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư

Hà Nội là môi trường có tính cạnh tranh cao và sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là, đối với các DN Mỹ, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các thị trường, họ cân nhắc rất nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư như tính minh bạch, thể chế pháp luật cũng như chính sách sẽ ảnh hưởng đến DN. Vì vậy, đây là những vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm để thu hút đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần