Miễn học phí cho sinh viên sư phạm không còn phù hợp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm (SP), PGS.TS Lê Kim Long – nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) rất đồng tình vì chính sách này kéo dài quá lâu, không phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục.

 PGS.TS Lê Kim Long – nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông có thể nói rõ hơn quan điểm trước đề nghị bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên SP?
- Chính sách miễn học phí cho sinh viên SP được bắt đầu từ năm 1996 – thời điểm các trường đào tạo giáo viên rất khó tuyển sinh. Ngành giáo dục đã thu hút được nhiều học sinh giỏi, nhiều sinh viên đã trở thành giáo viên dạy giỏi, điều này cho thấy chính sách nhân văn thực sự có giá trị.
Thế nhưng kéo dài một chính sách tới 22 năm mà không thay đổi gì là không được. Đáng lẽ chỉ nên duy trì khoảng 10 năm, sau đó thay bằng ưu đãi khác để phù hợp với tình hình thực tế khi chúng ta vận hành kinh tế thị trường. Trước đó, năm 2013, khi đoàn Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đến trường làm việc, tôi đã có ý kiến với GS.VS Đào Trọng Thi đề nghị bỏ chính sách này vì không còn hấp dẫn học sinh, do chi phí học tập cao gấp 3 lần học phí, tuy nhiên chưa nhận được đồng tình. Vì thế, bây giờ tôi hoàn toàn nhất trí bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên SP bởi vẫn là cơ chế “xin – cho” và chưa đúng với chủ trương đổi mới giáo dục.
 Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
Đổi mới giáo dục làm cho sinh viên tự chủ, chủ động, tự trọng, tự giác trong học tập. Nhiều sinh viên con nhà nghèo phải lăn lộn trong cuộc sống nhưng biết bố trí thời gian hợp lý vừa đi làm mà học rất tốt. Vì thế, câu chuyện bỏ miễn học phí cho sinh viên SP cần được làm ngay để khuyến khích người học chủ động trong học tập.

Ông có đồng tình với đề xuất cho sinh viên sư phạm vay tiền với lãi suất thấp và hoàn lại nếu sau này làm đúng nghề?

- Chính sách cho sinh viên vay tiền ngân hàng lãi suất thấp để đóng học phí đã được thực hiện từ lâu, nhưng giờ người ta không tha thiết vì không chắc chắn tốt nghiệp có tìm được việc làm để trả nợ. Thứ nữa, làm giáo viên lương thấp lại bị ngân hàng trừ tiền học phí đã vay trước đây thì họ càng không muốn. Tôi nghĩ chính sách cho vay tín dụng được áp dụng giống nhau với mọi đối tượng và không có sự phân biệt giữa sinh viên SP và các ngành khác; chỉ nên quy định mức vay tối thiểu và tối đa.

Chính sách đãi ngộ cho sinh viên SP sẽ được thể hiện ở đâu, thưa PGS?

- Theo quan điểm của tôi, khi giáo sinh tốt nghiệp ra làm nghề, sẽ được ưu tiên về lương. Tất nhiên, Nhà nước đang áp dụng thang bảng lương chung cho tất cả các khối ngành, thì rất khó có thể tăng lương cho giáo viên. Cách làm khả thi nhất là rút ngắn thời gian lên lương cho giáo viên dạy bậc thấp (mầm non, tiểu học) 2 năm/thêm một bậc, thay vì quy định 3 năm. Việc này sẽ giúp giáo viên mầm non, tiểu học, phổ thông khi nghỉ hưu có lương tương đương nhau.

Thực tế, thang bảng lương của Nhà nước không khuyến khích được người lao động cống hiến theo năng lực và hưởng theo năng suất, hiệu quả lao động, dẫn đến người giỏi và bình thường có thu nhập như nhau. Thời kỳ kinh tế thị trường, chúng ta nên trả lương cho giáo viên theo hiệu quả công việc. Để làm được việc này, rất cần sự đánh giá một cách chuyên nghiệp, khách quan. Chúng ta có thể học cách làm của Hàn Quốc, họ có Viện Nghiên cứu hành vi con người. Viện này xây dựng bộ chuẩn để đánh giá giáo viên từng bậc; thậm chí, kết quả đánh giá còn được lãnh đạo các trường học xếp tăng lương, thưởng, bổ nhiệm chức vụ công tác cho nhân viên.

Việc rút ngắn thời gian nâng bậc lương khó giúp được giáo sinh mới ra trường đi dạy học có thu nhập đủ sống, làm sao họ yên tâm công tác?

- Thời kỳ này, chúng ta thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí để giúp cho giáo viên bớt phải bươn chải, lo lắng. Theo đó, trong 5 năm đầu làm nghề, mỗi năm giáo viên sẽ được Nhà nước trừ nợ một năm số tiền tín dụng họ đã vay của ngân hàng. Như thế, trong 5 năm, họ sẽ trả được hết Nhà nước số tiền đã vay đóng học phí. Đối với những người không vay tín dụng sinh viên sẽ được hỗ trợ số tiền tương đương với những người đã vay ngân hàng và cũng được hưởng chính sách này trong 5 năm đầu đi dạy học.

Tất nhiên, tiền để chi trả cho chính sách này được lấy từ ngân sách dành cho giáo dục. Thế nhưng, hiện nay, Nhà nước không thể dành quá 20%, vì thế tôi đề nghị giảm chi ngân sách cho các trường đại học. Trường đại học tự chủ cả về kinh phí và chi trả các khoản chi thường xuyên bằng nguồn học phí của sinh viên. Phần lớn ngân sách của Nhà nước chuyển cho bậc phổ thông (cho đầy đủ giáo dục từ lớp 9 trở xuống) để có điều kiện đào tạo, giáo dục các cháu thành những con người hoàn thiện: khỏe về thể chất, đủ kiến thức, năng lực để lao động, học tập tiếp tục và phát triển đất nước. Tôi tin, với cách làm này, cộng với việc các địa phương công bố công khai thông tin cụ thể nhu cầu giáo viên trong từng 5 năm một cho tới từng bậc học, môn học thì sinh viên SP học xong sẽ tìm được việc làm đúng ngành với tỷ lệ cao. Tôi hy vọng thay đổi chính sách đãi ngộ giáo viên, toàn xã hội coi trọng nghề dạy học, phụ huynh yêu quý thầy cô giáo thì các em học sinh khá, giỏi lại tự tìm đến các trường SP.

Xin cảm ơn PGS!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần