Miên man trước Biển

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 57 năm, giờ dáng đi của người dân vạn chài quê tôi không còn cúi gập trên đôi chân vòng kiềng nữa. Tôi nhận ra điều không hiện hình: Mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ vạn chài đã hòa trong mặn chát muôn đời của biển, đã hòa trong bến bờ - còn gọi là vùng bãi ngang, đã hòa trong điệp trùng tiếng sóng muôn đời dội bờ.

57 năm trước lũ trẻ làng rủ nhau ra bãi ngang tập bơi với dập dìu sóng biển. Thuở đó, trong cái "ao" bao la ấy chỉ những con thuyền gỗ loại vừa và nhỏ vẫy vùng mà bao đời no cơm ấm áo, đầu mũi thuyền chỉ cần gắn cặp sào te làm bằng 2 cây tre đằng ngà, cứng, chắc, lẫm liệt oai phong như cặp sừng trâu rừng; trên thuyền dăm bảy sải câu vàng, mấy chiếc cần câu và ống câu, sáng dong buồm ra khỏi chục cây số xa bờ, chiều về đã có mấy tạ cá ù cá măng... Thuyền vừa buông neo, các bà, các chị từ trên bãi đã ào xuống thuyền, đầu đội, tay xách, hớn hở nói cười, chuyển cá lên bờ.
Dân vạn chài lo được mấy chục vuông đất lên bờ dựng nhà thì lứa trẻ đồng niên tập bơi ngày nào cũng quá tuổi đến trường. Ảnh minh họa

Ngày ấy, người dân vạn chài quê tôi quanh năm lênh đênh sông nước, cả nhà chen chúc trong khoang chiếc thuyền ba lá, dọc ngang mỗi chiều không đầy 2 mét. Mỗi lần thuyền cập bến tiếp gạo, củi, nước... đám trẻ nít cùng tuổi tóc cháy vàng, da hắc ín, chúng được một buổi làm người đi thẳng, đứng thẳng trên mặt đất.

Với người lớn mỗi khi lên bờ là bước thấp bước cao đi như bị ma đuổi. Đám trẻ vạn chài chạy vào làng tìm bạn cùng trang lứa, có bữa cả tốp lân la ngoài cổng chờ tôi đi học về để tập cho chúng chơi đáo, khơi khăng. Chúng giành nhau xem minh họa trong sách Tập đọc lớp một, lớp 2 rồi lớp 3 và phải chờ tôi đọc to chúng mới hiểu người ta nói gì.

Thuộc lứa Nho sinh cuối cùng của “đất học” làng Lộc Thọ, bố tôi lặng nhìn lũ nhóc cùng tuổi với con mình, hôm sau ông kiếm mấy tấm ván sạp đóng thành bảng lớn, vận động dân vạn chài cho lũ trẻ mỗi tuần 2 buổi lên bờ học chữ do bố dạy miễn phí, vậy mà chưa đầy một tháng lớp học chẳng còn đứa nào, thì ra còn bầy em nheo nhóc nên chúng sớm phải cùng bố mẹ mưu sinh.

Đến khi dân vạn chài lo được mấy chục vuông đất lên bờ dựng nhà, lứa trẻ đồng niên tập bơi ngày nào cũng quá tuổi đến trường. Theo thời gian chúng lớn lên từ nguồn dinh dưỡng của nắng biển hun da, từ màu tóc hoe vàng và đói nghèo mấy đời cố căn để lại, rồi chúng cũng theo cha, anh "ra Chào vào Hội" (lạch Chào xứ Thanh tàu thuyền khó ra, lạch Hội của xứ Nghệ tàu thuyền khó vào).

Sau mấy ngày lênh đênh giữa xanh trời xanh biển, tuổi vị thành niên đêm nằm dưới "khách sạn ngàn sao" cũng nghêu ngao vài ba câu thơ phú từng nghe lỏm, thuyền cập bến, chúng vừa bước lên bờ đã lâng lâng bay bổng, đến nay chúng vẫn nhớ giây phút thăng hoa của trận say đất đầu tiên trong đời. Hầu hết lứa trẻ ngày ấy không đánh vần nổi tên mình, chúng sớm theo cha theo anh ra biển nên sớm đảm đương sứ mạng chủ nhân trên đặc quyền lãnh hải của Tổ quốc, quê hương.

Hầu hết những ai từng lần đầu lênh đênh trên biển, khi thuyền cập bến đặt chân lên bờ đều bước đi liêu xiêu, phải có người dìu mới không bị ngã. Say đất đầu óc tít mù, "dư chấn" của mỗi trận say đất kéo dài hằng tuần, có người "yếu vía" phải mất nửa tháng. Lạ lùng ở chỗ với lần đầu ra biển thì say đất dường như không từ ai, cho dù người ấy cao to lực lượng gió biển cấp 6, cấp 7 người ấy không say sóng, nhưng khi vừa đặt chân lên bờ thì vẫn bị say đất như thường.

Hầu hết những ai từng lần đầu lênh đênh trên biển, khi thuyền cập bến đặt chân lên bờ đều bước đi liêu xiêu, phải có người dìu mới không bị ngã. Ảnh minh họa

Các lão ngư bảo say sóng dễ chịu hơn say đất, say sóng còn được tiếng là thanh liêm, trong sạch, không vụ lợi, bởi ăn được chút gì vào bụng cũng thốc tháo trả hết cho biển. Còn say đất kéo dài nhiều ngày, ruột gan cồn cào cứ chực nôn thốc tháo cho khỏe đầu, khỏe bụng mà vẫn không sao nôn được.

Đến nay tôi vẫn nhớ trận say đất đầu đời, sau vài chục tiếng đồng hồ ngủ li bì, tỉnh dậy mới nhớ những điều trong mộng du để rồi suốt đời neo giữ. Trận say đất biến tôi thành con chuồn chuồn tuổi thơ, đôi cánh mỏng tang bay là là trên mặt biển, từ trên cao nhìn xuống nó thấy đám cá nhà táng, cá nhám cào cùng vô vàn loài cá khác không nhớ hết tên… phô diễn đủ các kiểu săn mồi.

Mấy năm sau từ chiến trường, những đêm giữa rừng sâu núi thẳm, tôi nhớ biển, nhớ quê, đem chuyện say đất kể cho mấy thằng cùng tiểu đội quê Yên Bái, Lào Cai. Dù chưa một lần thấy biển, sau khi nghe tôi kể, chúng bảo vẫn cảm giác say đất lâng lâng, vẫn cảm nhận mặn chát ngọt ngào của biển. Thằng Na nói như đinh đóng cột: Sau này Tổ quốc thống nhất tớ sẽ đến Cửa Hội để được một lần đi biển, để được một lần say đất như mày!

                                                                   *

                                                                *     *

Biển ngày nay không còn như biển ngày xưa, đám bạn đồng niên của tôi nay đã thành ông, có mấy đứa học lực vẫn chưa qua lớp 4, mỗi lần gặp nhau chúng thở dài luyến tiếc lớp học miễn phí bố mở mấy mươi năm trước.

Lứa trẻ làng sinh “năm chiến dịch Điện Biên” cùng tôi dù không khả năng “tri thiên mệnh” cũng nhận ra con người thời hiện đại ích kỷ, vụ lợi, tàn nhẫn với biển bao la mặn mòi máu thịt hơn người ngày xưa, sự tàn nhẫn ẩn trong những mắt lưới thu nhỏ nhằm vơ vét tận diệt hải sản, nguồn lợi nhanh bị cạn kiệt, miếng cơm manh áo của hàng chục vạn ngư dân vùng bãi ngang xứ Nghệ vơi dần, biển càng ngày càng bị "co mình" trước lòng tham vô độ của đám hàng xóm láng giềng không từ bỏ cái “nghề” cướp biển.

Tại đám cưới đầu Xuân ở làng chài, tình cờ tôi ngồi cùng mâm với ông già râu tóc bạc cước, sau vài câu xã giao ông nhận ra tôi là bạn nối khố của con mình.

- Chú biết không - giọng ông chùng xuống - Ngày trước hễ câu được cá Sú Vàng thì cứ vô tư xẻ cho vào nồi đánh chén. Kéo câu khỏi mặt nước mà nhìn thấy loài đẻn (rắn biển) là buồn như mất sổ gạo, đành quẳng trả chúng xuống biển vì chẳng ai thèm ăn của nợ ấy. Rứa mà giờ mười mấy triệu đồng một cân cá Sú Vàng, gần một triệu đồng một cân đẻn. Ngày trước là thứ bỏ đi, thời đại 4.0 lại thành ẩm thực đặc sản, suy cho cùng thủ phạm là miệng ăn núi lở!

Đã 57 năm, giờ dáng đi của người dân vạn chài quê tôi không còn cúi gập trên đôi chân vòng kiềng nữa. Ảnh minh họa
Ngoài cửu tuần ông vẫn đôi chân vòng kiềng, toàn thân như chúi về phía trước - di chứng của dân làng chài từ mấy chục năm trước. Biết tôi chăm chú lắng nghe, ông chậm rãi:
- Đầu thế kỷ XX các nhà khoa học trên thế giới đã tiên lượng: Để nới rộng không gian môi trường sống loài người chỉ còn tiến ra biển. Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX nhà thơ Tú Xương cũng sớm cảnh báo "Phố phường chật chội người đông đúc. Bồng bế nhau lên ở núi non". Miệng ăn núi lở, "rừng vàng biển bạc" ngàn xưa dần biến mất, một số giá trị đích thực tiền nhân từng xác lập đã bị bức tử. Nguồn tài nguyên khoáng sản vốn hữu hạn nhanh bị cạn kiệt, không gian môi trường sống của người Việt đang nguy cơ bị láng giềng cưỡng đoạt và đến bao giờ tìm lại biển ngày xưa.
Đã 57 năm, giờ dáng đi của người dân vạn chài quê tôi không còn cúi gập trên đôi chân vòng kiềng nữa. Tôi nhận ra điều không hiện hình: Mồ hôi, nước mắt, và cả máu của bao thế hệ vạn chài đã hòa trong mặn chát muôn đời của biển, đã hòa trong bến bờ - còn gọi là vùng bãi ngang, đã hòa trong điệp trùng tiếng sóng muôn đời dội bờ. Càng da diết nhớ mấy thằng bạn cùng đơn vị hẹn mãi không thấy về để cùng nhau được một lần nghiêng ngả say đất, say biển, say trời.