Bên cạnh 15 nhà dân bị sập đổ, 17 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng thì 424 ngôi nhà khác cũng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Ngoài ra tại Khánh Hoà, có 3 thuyền nhỏ bị chìm, hư hỏng và 1 thuyền bị cuốn trôi.
Sản xuất nông nghiệp của bà con bị tổn thất nặng nề do mưa kéo dài. Ước tính 1.378ha lúa, 1.840ha hoa màu và 311ha cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm bị ngập úng. Cùng với đó là 46,5ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và gần 3.500con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 423 cây xanh bị gãy, đổ.
Đáng chú ý, bão số 6 đã khiến 13,51km kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng và sạt lở 13.339m3 đất đá, bê tông. 4 cống bị hư hỏng, cuốn trôi; 2 đập thủy lợi bị sạt lở. Quốc lộ bị sạt lở 2.000m3 đất đá/107 vị trí (chủ yếu thuộc tuyến Trường Sơn Đông, đường Hồ Chí Minh, 14G, 26). Đường giao thông địa phương sạt lở, hư hỏng 39,3km.
Tổng thiệt hại do bão số 6 ước tính đến trưa ngày 14/11 là khoảng 145,3 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là Đắk Lắk với 111 tỷ đồng, tiếp đến là các tỉnh: Bình Định 11 tỷ đồng; Khánh Hòa 11,5 tỷ đồng; Phú Yên 11,8 tỷ đồng.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay mưa đã giảm trên hầu khắp các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, thống kê đánh giá thiệt hại do bão, lũ gây ra; tập trung khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Theo dõi sát diễn biến gió mạnh trên biển để cảnh báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện biết để chủ động phòng tránh. Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra.