Minh bạch để kiểm soát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cán bộ ta không phải là nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo” - đó là phát biểu thẳng thắn, rất đáng chú ý của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên thảo luận Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) hôm qua (11/4).

Thực tế, câu chuyện kê khai, xác minh tài sản của cán bộ, công chức đã được bàn luận nhiều, song vẫn là một vấn đề gây băn khoăn. 
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Bởi thực tế, số lượng kê khai nhiều, nhưng đúng sai ra sao rất khó kiểm soát. Trong hàng nghìn bản kê khai, mới có số ít được xác minh và càng ít hơn số được “nhận diện” là kê khai không trung thực. Cũng bởi để chứng minh tài sản bất minh là vấn đề khó vì không thể kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, nên việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện vẫn là một bài toán không dễ giải trong những năm qua. Trong khi đó, hiện một số trường hợp kê khai không đúng cũng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này, phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và có khi không còn tài sản để xử lý

Hiện nay, các bản kê khai chỉ thể hiện tài sản hợp pháp, thậm chí thấp hơn thu nhập thực tế và tài sản hiện có, nếu không quy định rộng hơn thì khó có thể phát hiện được tham nhũng; cần quan tâm đến việc thẩm tra bản kê khai tài sản, đó là vấn đề nhiều ý kiến đặt ra. Đó cũng là quan điểm được nhấn mạnh và cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào, phải kiểm soát được phần chìm của "tảng băng". “Phải làm thế nào để mỗi cán bộ khi được cất nhắc bổ nhiệm đều phải khai hết tài sản của mình và cả tài sản của bố mẹ, anh chị em, con cái hai bên. Việc này có thể rất rắc rối, phức tạp nhưng cần thiết” - đó là mong muốn của nhiều người khi Luật được sửa đổi.

Có quan điểm cho rằng, không đòi hỏi tất cả công chức, nhưng những người chủ chốt, đứng đầu các cấp phải công khai tài sản kê khai cho cơ quan và khu dân cư, không có ngoại lệ. Cũng cần một cơ chế để Nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu. Và vấn đề cần quan tâm đặc biệt là phải có cơ chế để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc. Nếu “buôn chổi đót”, lái xe ôm có tiền tỷ thì cũng phải giải trình được một cách rõ ràng, còn không giải trình được thì phải xử lý. Luật phải làm được điều đó. Minh bạch tài sản là cần thiết cho xã hội hiện đại, nhưng không nên tràn lan, phải làm từng bước, trước hết là tập trung vào những người có quyền lực, sử dụng quyền lực để tư lợi.

Rất đáng mừng khi Dự Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lần này đã đề xuất một quy định riêng về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý (tài sản bất minh). Dù giải pháp xử lý cụ thể ra sao vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến đồng tình tài sản bất minh phải đánh thuế cao, nếu vi phạm mà có thể thu hồi, song ý kiến khác lại cho rằng tài sản không rõ nguồn gốc chưa chắc là do tham nhũng mà có. Nhưng trên hết đều cho rằng, cần những quy định tạo hành lang pháp lý cho việc minh bạch, kiểm soát được nguồn gốc tài sản. Bởi chỉ có quy định của Luật mới trao được thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản; mới tránh được tình trạng “chuyển dịch quyền sở hữu” không kiểm soát.