Minh bạch để kiểm soát

Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cán bộ ta không phải là nghèo, nhưng kê khai lại rất nghèo” - đó là nhận định từng được đề cập đến trên nghị trường Quốc hội khi bàn về câu chuyện kê khai, xác minh tài sản của cán bộ, công chức. Có thể nói rằng, kê khai tài sản là vấn đề không mới, nhưng luôn thời sự và lần này lại đặc biệt được dư luận chú ý khi Thanh tra Chính phủ công bố Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để lấy ý kiến góp ý.

 Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định này được xây dựng nhằm cụ thể hóa những quy định của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, trong đó có nhiều quy định mới. Đối tượng kê khai sẽ phân biệt thành hai nhóm, kê khai lần đầu và kê khai hàng năm; cụ thể hóa các chức danh kê khai, các loại tài sản phải kê khai… Đặc biệt, trong đó có quy định cán bộ từ giám đốc sở trở lên phải nộp bản kê khai tài sản về Thanh tra Chính phủ và các bản kê khai có thể được xác minh ngẫu nhiên hàng năm. Đồng thời, các bản kê khải hàng năm cũng phải công khai ở trụ sở làm việc trong vòng 30 ngày, niêm yết tại các vị trí thuận tiện để cán bộ, công chức, người lao động tiện theo dõi, quan sát. Trường hợp nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức việc kê khai, công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định thì sẽ bị kỷ luật…
Việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, việc kê khai thu nhập, tài sản vẫn mang nặng tính hình thức. Số lượng kê khai nhiều, đa số đúng mẫu mã, đúng thời hạn, vào sổ sách đầy đủ..., nhưng số lượng được xác minh lại quá khiêm tốn, và xác minh phát hiện thiếu trung thực càng khiêm tốn hơn. Như thống kê hàng năm cho thấy, mỗi năm có đến hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ trên 95% số đối tượng phải kê khai, nhưng con số xác minh chỉ dừng ở vài chục bản.
Bởi thế, hiệu quả của công việc này mới đạt được mức việc kê khai tài sản đi vào nền nếp, đúng pháp luật, còn hiệu quả trong kiểm soát tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức chưa đạt được. Do đó, việc phát hiện những dấu hiệu bất minh và có biện pháp ngăn chặn sự tẩu tán và cuối cùng là có thể thu hồi tài sản đó khi chứng minh được mối quan hệ của nó với hành vi tham nhũng rất hạn chế, vẫn là một bài toán không dễ giải trong những năm qua.
Cùng với đó, không phải đến Luật Phòng, chống tham nhũng lần này các quy định mới cấm kê khai không trung thực phải xử lý, nhưng cũng do việc kiểm soát, công khai bản khai không thực chất, nên đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Hay nói cách khác kiểm soát tài sản chính là bảo bối để phòng, chống tham nhũng.
Hy vọng rằng, với những quy định cụ thể về kê khai, kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập, đặc biệt là việc công khai, xác minh ngẫu nhiên sẽ tạo nên những hiệu quả mới, phát huy được kênh phòng chống tham nhũng quan trọng này. Bởi chỉ khi việc công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đúng, hiệu quả, mới tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Tránh tình trạng số lượng kê khai nhiều, nhưng đúng sai ra sao rất khó kiểm soát và không thể “nhận diện” được đâu là kê khai không trung thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần