Minh bạch để loại bỏ “tham nhũng vặt”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai, tăng cường kiểm tra công vụ, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức ở những vị trí dễ có nguy cơ xảy ra "tham nhũng vặt"… là những giải pháp được đưa ra để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN.

Cải cách thủ tục hành chính để tránh tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
Không phải là “chuyện vặt”
Như đánh giá của Thanh tra Chính phủ, trước đây, khi nói đến tham nhũng, phải có 2 yếu tố: Lòng tham và phải là người có quyền lực. Tuy vậy, các sự việc xảy ra thời gian qua cho thấy, tham nhũng không chỉ khu biệt ở những người có quyền lực, mà còn ở cấp dưới, người được giao nhiệm vụ. Những vụ việc là biểu hiện của “tham nhũng vặt” không phải là chuyện vặt nữa, mà xảy ra ở khắp mọi nơi…
Qua khảo sát của MTTQ Việt Nam tại hơn 9.000 DN trong năm 2018, có 18% DN phản ánh còn tình trạng bôi trơn, "tham nhũng vặt" trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Tài chính coi kết quả này làm tiêu chuẩn đánh giá, điều chuyển cán bộ, xử lý trách nhiệm những đơn vị hải quan, thuế khi có DN phản ánh có tình trạng tham nhũng xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Thực tế, tình trạng DN, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức thì cần “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng nhằm được giải quyết nhanh chóng công việc của mình không phải ít.

Nhấn mạnh đến thực trạng người dân phải đối diện hàng ngày với nạn "tham nhũng vặt", Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "tham nhũng vặt", trong đó có một nguyên nhân là trách nhiệm người đứng đầu chưa thực hiện chưa tốt, chưa đề cao việc nêu gương. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, chưa kịp thời phát hiện vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Điều đáng nói, khi phát hiện vi phạm, có trường hợp xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên. Ngoài ra, vẫn còn kẽ hở của cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, thiếu công khai minh bạch, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc còn yếu kém…

Xử lý nghiêm người vi phạm

Do "tham nhũng vặt" dường như có nguy cơ xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực nên việc ngăn chặn tình trạng này không thể khoanh vùng ở một bộ, ngành hay lĩnh vực mà cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và của chính người dân, DN. Như Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra "tham nhũng vặt" ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và DN đối với hoạt động của cơ quan hành chính…

Để sớm phát hiện vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ đã tổ chức 661 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ và đã chuyển 2 hồ sơ sang công an để điều tra đối với 8 cán bộ, công chức thuế, hải quan; xử lý hành chính 38 công chức. Đồng thời, thực hiện luân chuyển, điều chuyển công tác đối với những cán bộ, công chức ở những vị trí “nhạy cảm”. Căn cứ vào phản ánh của DN, kết quả giám sát của MTTQ Việt Nam và kết quả kiểm tra công vụ, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chuyển đổi vị trí công tác gần 5.700 công chức, chủ yếu ở lĩnh vực thuế, hải quan. Trong 6 tháng cuối năm 2019, Bộ dự kiến điều chuyển, luân chuyển vị trí khoảng 6.200 cán bộ, công chức trong toàn ngành.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, Bộ đã có nhiều biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công tác có liên quan trực tiếp đến người dân, DN như cấp phát chứng minh Nhân dân; quản lý xuất nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát giao thông… Hàng năm, Bộ đã chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thanh tra đột xuất các lĩnh vực dễ có điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây phiền hà cho người dân và DN. Qua đó, ngành đã phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm.

Với quan điểm thiết lập được cơ chế phòng ngừa, phòng chống tham nhũng tốt, mà tiền đề là tạo lập được một nền tảng xã hội tốt, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với những quy định của Luật, việc công khai, minh bạch thông tin, cải cách thủ tục hành chính cần tích cực hơn nữa. Đồng thời, nên xử lý nghiêm một số vụ “tham nhũng vặt” điển hình để tạo sức răn đe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần