Mini bus sẽ giúp tăng hiệu quả kết nối

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đang nghiên cứu để đưa mini bus vào sử dụng nhằm tăng cường tính kết nối cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Sự có mặt của mini bus được kì vọng sẽ thay đổi đáng kể diện mạo đô thị Hà Nội trong tương lai gần.
Tính kết nối là đặc điểm quan trọng nhất, giúp tăng cường năng lực của mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, yếu tố này đang thiếu ở các đô thị lớn của Việt Nam. Chính khiếm khuyết này đang là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội chưa phát huy được tiềm năng vốn có dù đã có sự đầu tư không nhỏ.

Chậm còn hơn không

Theo TS Phạm Sanh - Chuyên gia giao thông đô thị, cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, hệ thống hạ tầng giao thông trở nên quá tải và tình trạng kẹt xe bắt đầu xuất hiện và ngày càng nghiêm trọng. Đây là tình trạng chung đang diễn ra ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn ở Việt Nam. Theo chuyên gia Phạm Sanh, để giải quyết vấn đề này có hai phương án được đưa ra: Một là đầu tư cải tạo, mở rộng hoặc xây mới hệ thống đường giao thông; hai là hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên đường. Song cả hai phương án này đều chưa thật sự tối ưu bởi những đặc thù riêng của giao thông nước ta. “Đầu tư xây dựng để nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng chỉ giảm kẹt xe trước mắt, trong khi chi phí quá tốn kém và không bền vững”- TS Phạm Sanh phân tích.
 Mini bus đã được áp dụng và phát huy hiệu quả cao tại nhiều nước trên thế giới.
Chuyên gia này cho rằng, chỉ có phát triển hệ thống giao thông công cộng, tổ chức giao thông hiệu quả và kiểm soát tốt nhu cầu đi lại mới có thể là nhóm giải pháp tương đối khả thi. Với đặc trưng của giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, TS Phạm Sanh cho rằng xe buýt vẫn sẽ là giải pháp cơ bản cho dù nhiều tuyến đường sắt đô thị đang được đầu tư và sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

"Một trong những giải pháp trọng tâm để mở 14 tuyến năm nay là tập trung mở thí điểm các tuyến mini bus. Những xe đó có thể vào những trục đường nhỏ hơn thậm chí mặt cắt chỉ 4 - 5m, mật độ dân lớn và đưa họ ra những trục chính. Chúng tôi phấn đấu để làm sao khoảng cách đi bộ chỉ khoảng 500m, phù hợp cho hành khách đi bộ tiếp cận với giao thông công cộng." - Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Công Nhật


"Về tương lai, vận tải hành khách công cộng cũng như mini bus nên được khuyến khích phát triển nhưng cái chính là cơ chế, là những điều kiện để nó phát triển. Với việc đầu tư mở các tuyến xe buýt nhỏ, chúng ta cần làm thí điểm, sau đó có đánh giá về hiệu quả rồi công bố các số liệu liên quan để tìm ra cách triển khai tốt nhất. Không nên làm ồ ạt và để các DN đầu tư vào thế bị động." - Giám đốc Công ty Du lịch và vận tải Anh Thắng

Nguyễn Anh Thắng

Mặc dù vậy, đặc điểm cấu trúc đô thị, tình hình mạng lưới đường tại các đô thị lớn của Việt Nam như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, làm cho hệ thống xe buýt khó đảm bảo các nguyên tắc và yêu cầu cơ bản, không phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của người dân. “Với đặc điểm đó, mạng lưới xe buýt của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khó phát triển thêm được số tuyến và số xe, do bề rộng mặt đường quá hẹp. TP Hồ Chí Minh có trên 4.000 con đường nhưng đường rộng trên 7m chỉ chiếm 30%. Hà Nội, độ bao phủ mạng lưới xe buýt mới xấp xỉ 70% nhưng lại thiếu tính liên kết với các khu dân cư và các khu đô thị mới, thậm chí thiếu cả nhà chờ”- TS Phạm Sanh nói.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng, sử dụng mini bus, hoạt động trong những tuyến phố nhỏ hẹp để tăng cường tính kết nối cho vận tải hành khách công cộng mà Hà Nội đang nghiên cứu triển khai là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào lúc này. “Trên thế giới đã xuất hiện mini bus từ rất lâu. Hồng Kông ngay từ năm 2014 đã có trên 4.350 mini bus, Indonesia năm 2006 cũng đã có trên 1.500 xe... Việt Nam bây giờ mới nghiên cứu triển khai là rất chậm rồi nhưng chậm còn hơn không có. Mini bus với khả năng di chuyển trong các tuyến phố chật hẹp sẽ hỗ trợ kết nối rất tốt cho xe buýt thông thường cũng như đường sắt đô thị, BRT... Nếu không đảm bảo được tính kết nối thì dù có xây dựng được mạng lưới xe buýt, Metro, BRT rộng lớn đến như thế nào cũng không thể phát huy được hiệu quả cần thiết” - một chuyên gia chia sẻ.

Để mini bus phát huy tối đa hiệu quả

TS Phạm Hoài Chung – Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) cho biết, trên thực tế mô hình mini bus đã từng được triển khai ở Việt Nam và phát huy hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt pháp lý nên sau đó mini bus đã bị loại bỏ. Đơn cử như vào đầu những năm 2000, nhằm chuyển đổi xe lam ba bánh cũ không an toàn và gây ô nhiễm, TP Hồ Chí Minh đã cho phép cải tạo những xe tải nhỏ đời mới làm phương tiện chở khách. Loại hình xe buýt này hoạt động theo tuyến và có điểm dừng, đón trả khách tương tự như xe buýt truyền thống, với lợi thế là kích thước xe nhỏ, có thể đi vào những tuyến phố, ngõ nhỏ, loại xe buýt 12 chỗ nhanh chóng phát triển. Và chỉ sau một năm số lượng xe buýt 12 chỗ của TP Hồ Chí Minh lên tới 900 xe. “Đến năm 2006, Nghị định số 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó quy định xe buýt phải có từ 17 ghế trở lên và có diện tích sàn xe dành cho khách đứng, loại xe buýt 12 chỗ dần bị loại bỏ”- TS Phạm Hoài Chung cho biết.

Lấy ví dụ ở Nam Phi, chuyên gia đến từ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT làm rõ tầm quan trọng và công dụng rất lớn do mini bus mang lại. Theo đó, mini bus tại Cape Town là loại xe chở khách 16 chỗ, những xe này chạy theo lộ trình tuyến cố định và hành khách có thể lên, xuống xe tại bất cứ điểm nào trên hành trình. Từ hiệu quả thấy được của mini bus, hiện nay chính quyền TP này đang nghiên cứu triển khai dự án “Mạng lưới giao thông công cộng hợp nhất” (Integrated Public Transport Network – IPTN). Trong đó mini bus đóng vai trò là phương tiện kết nối những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT hay Metro, hành khách có thể tra cứu và đặt chỗ bằng ứng dụng công nghệ mới. “Kinh nghiệm tại Cape Town cho thấy, nếu được quản lý và điều hành tốt, mini bus có thể hoạt động rất hiệu quả, hỗ trợ tốt cho hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn” - TS Phạm Hoài Chung nhận định.

Để đưa mini bus vào sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả từ phương tiện có tính kết nối cao này, TS Phạm Hoài Chung cho rằng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là về hành lang pháp lý. Hiện nay, theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN10/2015/BGTVT về xe ô tô khách TP chỉ quy định số chỗ từ 17 chỗ trở lên và không có quy định về mini bus. Do đó, cần rà soát, bổ sung các quy định về mặt pháp lý cho hoạt động của phương tiện mini bus như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn phương tiện, các quy định liên quan đến điều kiện hoạt động của mini bus từ phía Bộ GTVT và các bộ liên quan. Bên cạnh đó, theo TS Phạm Hoài Chung, việc lựa chọn kích cỡ, chủng loại xe cũng như xây dựng luồng tuyến, chọn nhiên liệu, năng lượng hoạt động cho mini bus cũng cần phải được nghiên cứu thật kỹ. “Trên cơ sở khái niệm và thực tế sử dụng xe buýt của các TP trên thế giới cũng như rà soát lại các quy định của Việt Nam cho thấy, đối với mini bus lựa chọn loại buýt từ 8 - 16 chỗ bao gồm cả lái xe là phù hợp”- TS Phạm Hoài Chung đề xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần