Mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/1, tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội Ba Đình lịch sử, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946- 6/1/2016).

Mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên - Ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và dông đảo bạn bè quốc tế cùng tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam (ảnh: TTXVN/DT).

Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Về khách quốc tế có Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào PanyYathotu, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin.

Phát biểu tại kễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ôn lại truyền thống lịch sử khi cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ mit tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ mit tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam.

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hoà dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

“Trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định.
Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự lễ mít tinh.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự lễ mít tinh.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng điểm lại hoạt động quan trọng của Quốc hội qua các thời kỳ và nêu rõ, đặc biệt trong những năm gần đây, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho Nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 70 năm ra đời, phát triển và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khói đại đoàn kết toàn dân tộc. Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ngay từ khóa I, trong cơ cấu và cách thức tổ chức của Quốc hội đã thể hiện tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quốc hội các khóa tiếp theo luôn bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, luôn được khẳng định một cách nhất quán và xuyên suốt trong Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp của nước ta. Qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, vị trí, vai trò, tính chất của của Quốc hội lại được hoàn thiện hơn ở một tầm cao mới.

Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân…

Nhấn mạnh thời gian tới công việc rất nặng nề, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu đặt ra đối với Quốc hội cần tập trung phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng gợi nhớ ngay từ những ngày đầu đất nước còn trong trứng nước, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, mỗi chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang đó và tin tưởng vào sự vững vàng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội; đồng thời đây cũng là dịp để ôn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, kế thừa, phát triển những giá trị tinh hoa, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước và sự mong đợi của Nhân dân.

Bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đến toàn thể Quốc dân đồng bào trong suốt 70 năm qua đã luôn tin tưởng, trao cho Quốc hội trách nhiệm thực hiện quyền  lực Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động nói: "Với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm với ý thức trách nhiệm trước nhân dân và tiền đồ của đất nước, nhất định Quốc hội chúng ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, và Nhân dân".