Mở cửa để tư nhân đầu tư vào năng lượng

Khắc Kiên – Đức Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết số 55-NQ/TW (NQ55) về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia.

Đây cũng được xem là chìa khóa mở ra sự thuận lợi thu hút nguồn lực tỷ USD từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng.
Năng lượng là cốt lõi
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong giai đoạn 2007 - 2017, năng lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, như: Giá trị sản xuất trong ngành năng lượng tăng 6 lần, sản lượng điện tăng hơn 3,3 lần… Các DN trong lĩnh vực năng lượng đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 204.000 tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách Nhà nước. Rõ ràng, ngành năng lượng và các DN trong ngành đã đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế.
Điện mặt trời là một trong những giải pháp để bảo đảm nguồn cung điện năm 2019 và những năm tiếp theo. Ảnh: Hoàng Anh
Bên cạnh đó, năng lượng cũng là ngành thiết yếu đóng góp quan trọng cho các ngành kinh tế, ngành điện cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho các ngành, phân ngành kinh tế khác phát triển. GDP tăng trưởng 6,5 - 7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải bảo đảm 11 - 11,5%/năm.
Để bảo đảm đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, NQ 55 đã đề ra những mục tiêu cụ thể: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021 - 2030); trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh. Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045…
Huy động nguồn lực tư nhân
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng. Như lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP… Khu vực tư nhân cũng đã được tạo thế đứng trong lĩnh vực năng lượng, kể cả về điện, dầu khí, than.
Có được kết quả này là nhờ Chính phủ đã ban hành một số cơ chế chính sách mới như: Cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/207/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam); Giá cho điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam).
Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến tiềm năng lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện. Chính vì vậy, trong NQ55 nêu rõ, phải phát triển cân đối hài hòa các nguồn điện nhưng tập trung khai thác sử dụng hợp lý và phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước. Đồng thời tiếp tục tập trung ưu tiên năng luợng tái tạo, năng lượng điện khí… NQ55 cũng xác định rõ các nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng này có hiệu quả, đó là dựa trên yếu tố giá cả, công nghệ, độ an toàn.
"NQ55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng sắp tới. NQ55 cũng xác định rõ, riêng với năng lượng tái tạo thì tiếp tục xác định rõ cơ chế chính sách mang tính đột phá để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Ở đây cũng phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những trung tâm năng lượng tái tạo và những trung tâm này làm sao dựa trên nền tảng lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để triển khai NQ55, rất cần các chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ, các hệ thống chính trị, các tổ chức trong hệ thống. Với góc độ đầu mối, Bộ sẽ sớm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai, báo cáo Ban cán sự Đảng, Chính phủ để xây dựng chương trình hành động. 

"Thời gian qua, các DN năng lượng lớn của Nhà nước như: PVN, EVN, TKV đã chủ động tái cơ cấu, bảo đảm các hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hạ tầng năng lượng quan trọng cho đất nước. Khẳng định lại tinh thần của Chính phủ không phải tái cơ cấu, cổ phần hóa để giảm bớt vai trò của các DN Nhà nước mà thực hiện trên tinh thần tạo thuận lợi, phát triển kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội tham gia huy động, phát triển..." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh


"Hiện, Sơn Hà đang hợp tác với Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) để phát triển sản phẩm điện năng lượng mặt trời áp mái. Với vai trò là DN tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Sơn Hà sẽ cung cấp những sản phẩm điện áp mái chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm hiệu suất cao, độ bền, tính ổn định và an toàn cho khách hàng cũng như lưới điện của EVN HANOI." - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần