Mô hình du lịch thông minh: Điểm nhấn phát triển ngành kinh tế xanh

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội đã xây dựng mô hình du lịch thông minh dự kiến triển khai ngay trong năm 2018.

Đây được xem là điểm nhấn thu hút, tạo thuận lợi cho du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành kinh tế xanh.

Học “Tây” để ứng dụng

Du lịch thông minh là mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thống, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự tương tác kịp thời giữa 3 bên là nhà quản lý, DN du lịch và du khách. Mở rộng hơn nữa là sự liên kết với các ngành. Các điểm đến trong mô hình cũng là những điểm đến thông minh với hạ tầng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sự phát triển bền vững, tiếp cận thuận lợi với du khách, giúp gia tăng chất lượng của trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Người tham gia mô hình này cũng là những du khách thông minh. Họ không chỉ tiêu thụ mà còn chia sẻ và tạo ra trải nghiệm, có vai trò quản lý và giám sát để đảm bảo sự hoàn hảo cho những hành trình tiếp theo của mình và những du khách khác.
 Khách du lịch nước ngoài tra cứu thông tin về Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Du lịch thông minh đã được nhiều nước trên thế giới triển khai với nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử, Dubai đang tiến tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch thông minh trong một thập kỷ tới. Trong đó, tất cả các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, visa, hàng không sẽ được công nghệ hóa triệt để. Hiện sân bay Dubai đã áp dụng công nghệ xuất nhập cảnh thông minh. Đặc biệt, có khoảng 50 cây trà sử dụng năng lượng mặt trời được dựng lên khắp Dubai phục vụ người dân và du khách sạc điện thoại, truy cập wifi miễn phí, nạp tiền, tìm kiếm thông tin du lịch, yêu cầu trợ giúp khẩn cấp… Hay London của Anh và Barcelona của Tây Ban Nha được xem là những điểm đến thông minh với những trạm chờ xe buýt tương tác không chỉ cung cấp thông tin du lịch, lịch trình xe mà còn có các cổng sạc thiết bị di dộng. Xe đạp được cung cấp trên khắp TP. Và du khách có thể kiểm tra vị trí của họ thông qua một ứng dụng điện thoại.

Trợ lý ảo của du khách

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này. Trong đó nêu rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên, xây dựng chiến lược cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh.

Phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, chính quyền Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng TP thông minh. Với ngành công nghiệp không khói, Hà Nội đã xây dựng mô hình du lịch thông minh, dự kiến đưa vào vận hành ngay trong năm 2018 nhằm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

"Hiện nay, trên tổng số du khách quốc tế đến Hà Nội, có hơn 75% đi tự túc, với khách nội địa, tỷ lệ này chiếm tới hơn 90%. Bởi vậy xây dựng mô hình du lịch thông minh sẽ trực tiếp và nhanh nhất giúp các đối tượng khách tìm kiếm thông tin và hiểu rõ hơn những điểm đến, giá trị nổi bật của du lịch Hà Nội. Từ đó, họ có thể nhanh chóng lựa chọn được những chương trình, hành trình phù hợp với nhu cầu, sở thích, túi tiền của mình." - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải

Hà Nội đang hoàn thiện việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung cho ngành du lịch. Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội tại địa chỉ myhanoi.vn đã hoàn thành giao diện, hệ thống, tính năng, cơ bản dữ liệu đáp ứng được chức năng liên kết, kết nối và là diễn đàn giữa nhà quản lý, người dân, du khách và DN toàn cầu. Trong năm nay, hệ thống wifi công cộng sẽ được nâng cấp ở không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và những địa điểm du lịch tiêu biểu như: Khu phố ẩm thực quận Hoàn Kiếm, làng gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm. Ngay trong quý II năm nay, 5 trạm thông tin và hỗ trợ khẩn cấp cũng sẽ được lắp đặt thử nghiệm.

Cùng với đó, phần mềm ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động có tên gọi “myHanoi” sẽ được tích hợp bản đồ số du lịch Thủ đô, giúp các “thượng đế” tìm kiếm thông tin hữu ích một cách chủ động trong suốt chuyến đi; từ việc tra cứu các thông tin cơ bản, các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe... tới việc kết nối du khách với các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ sở mua sắm... Ứng dụng còn hỗ trợ cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông quanh khu vực du khách đang đứng, vùng cảnh báo an ninh trật tự, vùng cảnh báo dịch bệnh… Myhanoi được xem như một trợ lý du lịch ảo uy tín cho du khách.

Doanh nghiệp tự cải tiến

Trong khi chờ đợi mô hình du lịch thông minh của TP hay cả nước, nhiều DN tại Hà Nội đã tự cải tiến mình để trở thành những DN du lịch thông minh. Điển hình là trang ivivu.com, sản phẩm du lịch sáng tạo của Tập đoàn Thiên Minh có lượng truy cập tới 10 triệu lượt mỗi tháng. Tích hợp nhiều công cụ và giải phát trên thế giới, ivivu.com đem đến hơn 300 tour du lịch, hơn 5000 khách sạn tại Việt Nam và 345.000 khách sạn toàn thế giới để du khách lựa chọn.

Hay ứng dụng Inter Bus Lines lại giúp du khách tìm hiểu hành trình, giữ chỗ, thanh toán, một cách dễ dàng, kết quả quy trình khép kín được lưu giữ bằng mã QR. Với DN vận tải, đây cũng là sự đầu tư đáng đồng tiền bát gạo. “Sử dụng ứng dụng Inter Bus Lines, DN sẽ giảm được khoảng 50% chi phí không đáng có. Công ty Thiên Thảo Nguyên đã thử nghiệm ứng dụng này từ tháng 7 - 12/2017, mức tăng trưởng đạt từ 7 - 10%. Điểm cộng lớn nhất của Inter Bus Lines là giúp DN quản lý, chăm sóc tất cả các đối tượng khách hoàn toàn tự động” - ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Thiên Thảo Nguyên chia sẻ.

Chính sự đầu tư, sáng tạo của mỗi công ty du lịch thông minh đã giúp hàng chục ngàn du khách được hưởng lợi. Thiết nghĩ, nếu du lịch thông minh trở thành mô hình chung cho cả Hà Nội hay cả nước thì mục tiêu đón 94 triệu lượt khách không phải là giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, du lịch thông minh không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều phải tự động hóa hay sử dụng công nghệ, thiết bị để thay thế cho con người. Xây dựng mô hình du lịch thông minh phải tùy thời điểm, hoàn cảnh, nếu không, ngành kinh tế xanh sẽ có nguy cơ mất đi sự thú vị và hấp dẫn vốn có.

 

"Du lịch thông minh là làm cho con người tiếp cận thông tin một cách nhanh, dễ dàng, đa dạng và nhiều thông tin nhất. Chính vì thế, nó đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của một ngành kinh tế, đó là thông tin. Xây dựng mô hình du lịch thông minh có nghĩa là phải tạo dựng được một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ du lịch phát triển một cách đồng bộ. Khi du khách tìm hiểu về du lịch hay đến khám phá điểm đến, mô hình du lịch thông minh phải luôn bên cạnh họ như một chuyên gia giàu kinh nghiệm. Khách chỉ cần chạm tay vào ứng dụng, bấm nút trên điện thoại là có thể kết nối và ghi nhận được tất cả những thông tin liên quan. Nhờ đó, họ biết mình nên đi đâu, làm gì để thỏa mãn nhu cầu mà vẫn phù hợp với túi tiền." - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình


 

"Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách muốn đi du lịch tự túc, đến những nơi mình thích, theo cách thức, thời gian và khả năng chi trả của họ. Do đó, những người cung cấp dịch vụ du lịch thông minh phải không ngừng thay đổi và có khả năng đưa ra giải pháp cụ thể cho từng khách một cách nhanh chóng và hoàn toàn tự động hóa. Giải pháp ivivu.com xây dựng là từ thông tin khách đặt dịch vụ khách sạn, vé máy bay, tour, ăn uống, ứng dụng tự động hiểu được nhu cầu của khách là gì, từ đó tích lũy sự hiểu biết về khách. Các “thượng đế” đặt dịch vụ càng nhiều, sự hiểu biết của ứng dụng càng lớn và thậm chí, những lần tiếp theo, Ivivu có thể gợi ý lịch trình phù hợp với giá tiền, sở thích của khách, cũng như đặt dịch vụ thời điểm nào thì giá rẻ hơn nhưng vẫn có những trải nghiệm tuyệt vời." - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên


 

"Thực tế, tại Hà Nội chỉ có một số ít DN lớn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch. Hầu hết các DN vừa và nhỏ chưa có nhiều nguồn lực để đầu tư cho công nghệ. Do đó, các DN đều mong muốn TP Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ DN tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, có những phần mềm miễn phí cho DN, còn những giá trị gia tăng khác DN tự bỏ chi phí. Đồng thời, để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch đạt hiệu quả thì cần sự triển khai, kết nối chặt chẽ và đồng bộ giữa các DN, giữa ngành du lịch với các bên liên quan như: Hàng không, khai báo hải quan, xuất nhập cảnh, thuế... Bởi, nếu một trong các bên muốn làm việc bằng phương thức truyền thống thì cả bộ máy du lịch thông minh sẽ bị ách tắc." - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP HanoiRedtour Nguyễn Công Hoan