Mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Hồng Vân

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tư duy và cách làm mới, HTX Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Nâng cao giá trị sản phẩm
Lâu nay, nông thôn là vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất không cao. Trong khi đó, theo quy luật thị trường vì lợi nhuận, DN thường ép giá đối với dịch vụ đầu vào và sản phẩm đầu ra. Người nông dân bỏ công sức, chi phí nhiều nhất nhưng thu lợi nhuận rất ít. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên nông dân thường không sơ chế, bảo quản nông sản để làm tăng giá trị, mà phải cạnh tranh với nhau để bán sản phẩm thô, nên càng tạo điều kiện cho tư thương ép giá. Vì vậy, phát triển mô hình HTX kiểu mới để tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là cần thiết và hợp xu thế hiện nay.

Đóng gói sản phẩm trà chùm ngây tại HTX Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân. Ảnh: Nguyễn Nga

Ra đời theo Luật HTX năm 2012, HTX Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (HTX Hồng Vân) ban đầu có 7 thành viên. Sau hơn 2 năm hoạt động, hiện HTX đã có 22 thành viên với tổng quỹ đất canh tác 25ha. Kinh doanh ngành nghề đa dạng, ngoài sản xuất rau hữu cơ, hoa, cây cảnh, chăn nuôi và một số dịch vụ khác…, HTX còn đưa vào trồng và chế biến sản phẩm cây chùm ngây. Giám đốc Nguyễn Văn Tứ cho biết, khi vào HTX, các thành viên tự nguyện đăng ký sản xuất theo năng lực và thế mạnh của mình. Vì hoạt động theo phương thức mới nên mô hình của thành viên nào, thành viên đó tự quản lý và hưởng lợi. HTX làm nhiệm vụ lên kế hoạch sản xuất cho các thành viên, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, lo các thủ tục pháp lý về xây dựng chất lượng sản phẩm, mời kỹ sư về hỗ trợ kỹ thuật cho cả 22 thành viên. Lợi nhuận hàng năm của các thành viên được trích lại một phần hỗ trợ HTX hoạt động. Người nông dân được làm chủ cả 3 công đoạn, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, sơ chế gia tăng giá trị, nên lợi nhuận thu được cao hơn. Các thành viên đã liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình sản xuất, thành phẩm của người này là con giống của người kia. Tổng doanh thu hàng năm của HTX hiện đạt trên 7 tỷ đồng, với lãi suất đạt 40%. Thu nhập của xã viên được nâng cao, điều đó đã làm cho các thành viên thêm tin tưởng và gắn bó lâu dài với HTX.
Thay đổi thói quen cũ
Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Huy Đăng, mặc dù Hồng Vân là xã thuần nông, song việc tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Tư duy tăng nhanh sản lượng mà không chú ý cải tiến chất lượng là nguyên nhân khiến cho thu nhập của người dân chưa cao. Điểm yếu của ngành nông nghiệp địa phương hiện nay vẫn là công tác dự báo thị trường, sản xuất chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết giữa người sản xuất và DN… Sự ra đời của các HTX kiểu mới đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Hiện nay, HTX Hồng Vân đang phát triển mô hình trồng rau hữu cơ trên tổng diện tích 2,5ha, nuôi lợn theo hướng sinh học. Sản phẩm được tiêu thụ trong hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của HTX. Diện tích trồng chùm ngây là 7ha, mỗi ngày HTX chế biến từ 1 - 1,5 tấn nguyên liệu tươi, đảm bảo cho 18 lao động làm việc thường xuyên với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. HTX đã xây dựng được mô hình khép kín, từ việc tự trồng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến và tìm đầu ra cho sản phẩm cây chùm ngây. Trà chùm ngây và các sản phẩm từ cây chùm ngây của HTX Hồng Vân đã có mặt ở hầu khắp thị trường các tỉnh, thành cả nước.
Với những kết quả đạt được, HTX Hồng Vân là một điển hình, minh chứng cho hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới.