Mô hình Khởi nghiệp tạo tác động xã hội: Vướng nhiều rào cản

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi nghiệp tạo tác động xã hội được xem là mô hình khởi nghiệp đặc biệt, bởi vừa hiện thực ước mơ lập nghiệp của startup, vừa hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, DN hoạt động trong lĩnh vực này còn đang bị bó hẹp bởi nhiều rào cản, cần được tháo gỡ.

Tiềm năng lớn
Trong xu thế khởi nghiệp hiện nay, các startup trẻ ngày càng ưu tiên lựa chọn hướng khởi nghiệp tạo tác động xã hội, đi vào giải quyết những tồn tại của xã hội như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, công ăn việc làm cho người yếu thế… Thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhóm DN này đã khẳng định khả năng thích ứng và đột phá, cũng như vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của xã hội bằng những giải pháp tiên tiến và mô hình kinh doanh đổi mới của mình.
 Một môn thể thao giáo dục trong dự án RecSports Việt Nam. Ảnh: Phương Nga
Là một startup hoạt động trong lĩnh vực tạo tác động xã hội, dự án RecSports Việt Nam tạo tác động xã hội tích cực bằng cách thúc đẩy rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, đáp ứng nhu cầu vận động - giải trí của người dân. Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay dự án đã gặt hái được một số thành công nhất định. Anh Nguyễn Phương Tùng - Founder RecSports Việt Nam cho biết, tiềm năng thị trường của những sản phẩm tạo tác động xã hội là rất lớn, bởi quá trình hội nhập quốc tế và nhận biết về DN tạo tác động xã hội của cộng đồng trong nước tốt hơn, tạo điều kiện cho DN phát huy năng lực triển khai hoạt động tạo tác động xã hội. Đặc biệt, DN tạo tác động xã hội cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Thông qua phong trào Quốc gia khởi nghiệp, các DN tham gia các hội thảo chuyên đề, từ đó có cơ hội kết nối với thị trường, nguồn vốn, nhà đầu tư, chuyên gia công nghệ, kiến thức quản lý, kiến thức tài chính…

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (CSIE) chỉ ra, tiềm năng phát triển của các DN tạo tác động xã hội rất lớn. Khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đói nghèo, thiên tai, sự bất cập về giáo dục, y tế. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho những cá nhân, tổ chức đi tìm những mô hình kinh doanh mới, giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng.

Khó thành công, vì sao?

Ý tưởng kinh doanh của các DN tạo tác động xã hội là xu thế tất yếu, mang tính bền vững. Tuy nhiên, không nhiều DN trong lĩnh vực này có thể thành công, bởi họ còn nhiều khó khăn như thiếu vốn, yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, thiếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ.

Anh Tạ Minh Tuấn là một trong 2 người Việt đầu tiên được vinh danh trong Forbes ASIA 30 UNDER 30 lĩnh vực Khoa học và Y tế. Hiện anh đang là Chủ tịch TMT Group với gần 20 DN và tổ chức hoạt động đa lĩnh vực. Thời gian gần đây, anh trở thành nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt với các DN tạo tác động xã hội. Theo đánh giá của anh Tuấn, một trong những điểm yếu của người kinh doanh tạo tác động xã hội là thiếu tính thực chiến. Startup sống với giấc mơ, với lý tưởng, nhưng không sẵn sàng tiếp xúc với thị trường. Bởi, trên thực tế, công ty nào tiếp xúc với thị trường đầu tiên sẽ là công ty hiểu về thị trường nhất. Muốn có thực tế thì phải ra khỏi văn phòng, đi gặp khách hàng của mình, nói chuyện với người đó càng sớm càng tốt. “Để kêu gọi được vốn, DN cần chứng minh được là mô hình kinh doanh bền vững, tạo ra tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư và giải quyết được các vấn đề xã hội theo mục tiêu ban đầu của mình” - anh Tuấn cho hay.

Cũng chung quan điểm này, chị Đỗ Hồng Vân - thành viên quỹ Patamar Capital (một quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào công ty tạo tác động xã hội ở khu vực châu Á) cho rằng, các DN tạo tác động tại Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn trong việc đo lường xã hội, làm thương hiệu, thiếu nguồn nhân lực và năng lực quản trị; cùng với đó là thiếu khả năng nhân rộng. Trong khi các quỹ đầu tư vào lĩnh vực này thường yêu cầu khoản đầu tư của họ vừa tạo được tác động xã hội vừa mang lại lợi nhuận. Song song với những khó khăn ấy, DN cũng phải đối mặt với các yếu tố thị trường đang biến động khó lường trước đại dịch Covid-19. “Trước thị trường mới, khách hàng mới, DN tạo tác động cần cân bằng chiến lược tài chính không gây ảnh hưởng tới DN, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới” - chị Đỗ Hồng Vân chia sẻ.q

"Cần có chính sách để thúc đẩy DN tạo tác động xã hội như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và miễn thuế thu nhập DN đối với lợi nhuận giữ lại của những khoản tài trợ. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô DN tạo tác động xã hội." - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần