Mô hình kinh tế hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khao khát được làm giàu trên mảnh đất quê hương, với hướng đi mới, anh Nguyễn Văn Trung, thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đà điểu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Trung chia sẻ, năm 2007, nhờ tiếp cận được nguồn giống của Viện Chăn nuôi, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua 50 con giống đà điểu (2,7 triệu đồng/con) về nuôi trên diện tích hơn 1.000m2 của gia đình. Những năm đầu là thời điểm khó khăn nhất: Thiếu kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi đà điểu; thị trường đầu ra không có, cùng với sự hạn chế về nguồn vốn đã khiến anh bị thua lỗ. Song, anh vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.
 
Mô hình kinh tế hiệu quả - Ảnh 1
 
Ngoài việc tận dụng lợi thế nguồn thức ăn như cỏ, rau sẵn có, anh còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương có mô hình nuôi đà điểu; đồng thời mở cửa hàng kinh doanh các sản phẩm từ đà điểu và trực tiếp đi giao hàng khi thị trường khó khăn. Đến nay, đàn đà điểu của anh Trung từ chỗ có trọng lượng 20kg/con tăng lên 100kg/con và đã sinh sản, mỗi con mái đẻ từ 30 - 40 trứng/năm. Tổng đàn đà điểu của anh Trung hiện có gần 100 con, gồm 40 con đực, 30 con cái và còn lại là đà điểu giống. Hiện nay, với giá bán 280.000 đồng/kg, anh xuất bán được 3 tấn/tháng, thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, mỗi năm anh Trung lãi trên 700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Thịt đà điểu mềm, có vị thơm ngon hơn thịt bò, được coi là loại thịt sạch vì không sử dụng các loại thuốc tăng trọng. Đà điểu ít bị dịch bệnh, có sức đề kháng tốt, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Từ khi nuôi, trải qua rất nhiều đợt cúm gia cầm nhưng trại của anh không con nào bị lây nhiễm. Hơn nữa, chi phí đầu vào thấp hơn nhiều so với nuôi các loại bò, lợn, gà…, lại tận dụng được da và lông. Với hiệu quả thu được, anh Trung dự định mở rộng quy mô theo hướng chuyển giao con giống cho các hộ gia đình nuôi rồi thu mua lại sản phẩm, bao tiêu đầu ra. Anh đã lên kế hoạch kết hợp cùng một số đơn vị nghiên cứu nhãn mác, đóng gói, thức ăn chăn nuôi… để từ đó xây dựng thương hiệu thịt đà điểu cho riêng mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Nguyễn Thị Mai Yến cho biết, hiện trên địa bàn xã đang có 3 - 4 hộ nuôi đà điểu. Với địa hình phù hợp, nhất là về đất đai và nguồn thức ăn, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với trung tâm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức tới người dân; từ đó giúp người dân có thêm hướng đi mới trong phát triển sản xuất.