Mô hình làm việc linh hoạt (co-working space): Kỳ vọng bứt phá kỷ lục

Gia Tuấn – Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Manh nha cách đây gần 7 năm nhưng co-working space (mô hình làm việc linh hoạt hay còn gọi là không gian làm việc chung) chỉ gây tiếng vang tại thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vào năm 2015 với sự ra mắt chuỗi co–working space Dreamplex và Toong.

Vượt qua nhiều trở ngại, tương tự như Grab, thị trường ngách co–working space phát triển ấn tượng trong năm 2018. Thậm chí, tăng tốc cạnh tranh trực diện với mô hình văn phòng dịch vụ truyền thống.
Lượng khách hàng dồi dào

Ngôi vương địa ốc 2018 thay vì gọi tên BĐS nghỉ dưỡng hay căn hộ chung cư được dự báo nhiều khả năng nhường chỗ cho văn phòng cho thuê. Sau mức tăng trưởng hơn 7% vào năm 2017, thị trường văn phòng tiếp tục mức tăng trưởng vũ bão (tỷ lệ lấp đầy gần 95%) vào năm 2018 và được kỳ vọng bứt phá kỷ lục trong năm 2019.
 Co-working Space được dự báo nhiều khả năng chiếm sóng thị phần văn phòng cho thuê trong năm 2019. Ảnh: Vân Hằng

Đáng chú ý, cuộc chiến nội tại của thị trường văn phòng giữa một bên là mô hình co-working space và văn phòng truyền thống càng tạo đà phát triển hưng phấn cho loại sản phẩm này. Không yêu cầu đối tượng thuê ký hợp đồng dài hạn với quỹ mặt bằng lớn, co-working space cải tiến hơn với 3 yếu tố: Diện tích nhỏ - mức giá rẻ và môi trường năng động. Sóng ngầm của mô hình co-working space vì thế chính thức đạt tỷ lệ lấp đầy kỷ lục trong bối cảnh căn hộ văn phòng hạng A khu vực trung tâm khan hiếm nguồn cung. Ước tính cuối năm 2018, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm lần lượt 56% và 44% của tổng nguồn cung 45 không gian làm việc chung.

Có cầu ắt có cung, nhiều nhà đầu tư địa ốc sành sỏi nhanh chóng vào cuộc chơi gom mặt bằng để hút lượng khách startup dồi dào. Gia nhập thị trường BĐS tiêu dùng, thuê để cho thuê lại tại Hà Nội được hơn 2 năm, anh Đặng Minh Trân – Giám đốc Công ty nhà đất Rồng Vàng cho biết: “Khác với các thương hiệu có tiếng của co-working space, các nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi chủ yếu “săn” nhà phố để bao thầu phân phối lại”.

Theo tiết lộ của nhà đầu tư này, anh vừa thuê lại căn nhà phố trên khu đất 200m2 quy mô một trệt, một lửng, gần đường Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá xấp xỉ 6.000 USD. Dự kiến đầu năm 2019 sẽ “bung” 3 loại phòng có diện tích: 25 - 30 - 40m2, tương ứng với giá thuê 5 - 7 - 10 triệu đồng/phòng/tháng. Đối tượng mục tiêu đa phần là các bạn trẻ mới mở công ty, sinh viên hoặc người mới tốt nghiệp đại học. Quy mô của các công ty thuê mặt bằng khiêm tốn, từ nhỏ (3 - 4 nhân viên) đến rất nhỏ (1 - 2 nhân viên).

Ở mức độ chuyên nghiệp hơn, dạng văn phòng linh hoạt hạng A tại các tòa nhà văn phòng khu vực trung tâm như Regus Center (Hoàn Kiếm), Elite Business Center (Thanh Xuân), THT Center (Cầu Giấy), CEO Suite (Ba Đình), Toong (Tây Hồ)… vẫn được nhắc như điểm đến quen thuộc của giới startup. Theo tìm hiểu của Kinh tế & Đô thị, giá thuê tại các văn phòng này trung bình từ 3,5 - 3,9 triệu đồng/người/tháng với chỗ ngồi cố định. Nếu phòng lớn riêng biệt cho 8 người, tầm 20 - 25 triệu đồng/tháng, tùy diện tích. Ngoài ra, khách hàng có thể chọn thuê từng ngày với mức giá 120.000 đồng/chỗ ngồi. Với dịch vụ giải quyết nhu cầu về địa chỉ giao dịch (văn phòng ảo), mức giá khoảng 680.000 đồng/tháng.

Rào cản “chuẩn” mặt bằng?

Ông Vũ Tuấn Trường – Người sáng lập Co-working ID HUD cho biết, thị phần của co-working sẽ chiếm khoảng 30% tổng diện tích văn phòng làm việc trong tương lai, trong khi co-working của Việt Nam đang phát triển dưới mức kỳ vọng. “Miếng bánh” co-working tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vì thế được đánh giá tiềm năng phát triển dồi dào.

Chỉ ra hạn chế lớn nhất của mô hình làm việc linh hoạt, theo ông Vũ Tuấn Trường, các nhà điều hành co-working “chuẩn” thực sự còn quá ít. Các DN nước ngoài có thế mạnh về nguồn lực tài chính, nên các sản phẩm được đầu tư đồng bộ trên diện tích mặt bằng hàng chục nghìn mét vuông. Trong khi đó, các nhà điều hành của Việt Nam chủ yếu quản lý một mặt sàn có diện tích từ 500 – 700m2, mới chỉ dừng lại ở hình thức “cho thuê” chứ chưa tạo ra được không gian làm việc chung. Vì vậy, để có thể tồn tại, các co-working nhiều khả năng cạnh tranh “đại hạ giá” cho thuê. Nếu hoạt động như vậy, về lâu dài mô hình co-working lại trở về với hình thức cho thuê văn phòng cơ bản.

"Thị trường văn phòng hai đầu cầu Nam – Bắc đang có diễn biến nhộn nhịp nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Không chỉ có phân khúc văn phòng hạng A, B tăng nhiệt về công suất cao, giá thuê mà ngay cả những tòa tháp hạng C, mặt bằng lẻ dôi dư, văn phòng linh hoạt (cho thuê chỗ ngồi, văn phòng ảo...) cũng lên cơn sốt. Hiện, rất nhiều chủ đầu tư các dự án BĐS đang có xu hướng “bắt tay” hợp tác cùng với các đơn vị điều hành co-working, bởi các đơn vị này sẽ mang đến cho các dự án nhiều giải pháp từ thiết kế, thi công đến cách bài trí và sử dụng trang thiết bị nội thất." - Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Vũ Cương Quyết


"Sự tương phản giữa BĐS "cốt lõi" và “ngách” đã dần tan biến trong tư duy của các nhà đầu tư. Chu kỳ hoàng kim của thị trường văn phòng được cộng hưởng từ cú hích của phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao và bùng nổ thương mại điện tử. Trong đó, mặt bằng lẻ cho thuê ngắn hạn theo ngày, giờ hoặc một vài tuần hay một tháng đang đáp ứng được nhu cầu lớn của phong trào khởi nghiệp và thương mại điện tử nhờ quy mô vừa và nhỏ, cách vận hành linh hoạt và giá cả cạnh tranh." - Phó Tổng Giám đốc Khối cho thuê thương mại Savills Bùi Trung Kiên

Để khắc phục tình trạng này, ông Vũ Tuấn Trường cho rằng, đã đến lúc các co-working phải liên kết lại với nhau để tạo thành một không gian làm việc chung, mỗi một co-working đều có thế mạnh riêng của mình. Ví dụ, có đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, vật liệu xây dựng, quy hoạch... để tạo thành một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh cho khách hàng.

Cùng quan điểm, Giám đốc điều hành co-working For Rent Nguyễn Quốc Anh cho biết, bản chất của co-working là tạo ra một không gian đa dạng cho những người làm việc chung. Cụ thể, văn phòng kiểu mới này có đơn vị đứng ra đầu tư không gian lớn, hạ tầng hoàn chỉnh, không gian làm việc mở, chính sách ưu đãi người khởi nghiệp như giá thuê rẻ, hỗ trợ môi trường kinh doanh tích cực thông qua một quỹ đầu tư uy tín. “Do đặc thù của khu vực trung tâm không có nhiều diện tích nên đã hình thành các co-working nhỏ, mỗi đơn vị có một thế mạnh riêng, nên nếu tạo thành một group để bổ trợ cho nhau, mới có thể tồn tại và phát triển được” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần