Mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết: Thay đổi tư duy sản xuất

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm do Chi cục Thủy sản Hà Nội triển khai tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì đã giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra hướng làm giàu mới.

Nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết tại xã Cổ Đô, Ba Vì. Ảnh: Kim Ngân
Chuyển từ quảng canh sang thâm canh
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Tân Đô, xã Cổ Đô có tổng số 14 thành viên. Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch HĐQT HTX Tân Đô cho biết, sản phẩm chính của HTX là thủy sản, gia cầm, lợn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của người dân hiệu quả không cao. Với 14ha diện tích mặt nước, trước đây xã viên chủ yếu chăn nuôi theo hình thức quảng canh, trung bình mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ cá, đặc biệt vấn đề ATTP thủy sản không được quan tâm.

Để khắc phục những hạn chế trên, tháng 6/2018, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tại xã Cổ Đô. Tham gia vào mô hình có 7 hộ thuộc HTX Tân Đô, với tổng diện tích là 5ha. Các hộ ngoài được hỗ trợ 100% về con giống, thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc, còn được liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Hộ ông Nguyễn Văn Thông tham gia vào chuỗi với tổng diện tích gần 1ha, sau hơn 4 tháng nuôi, hiện nay cá đang sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Ông Thông phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi, gia đình tôi luôn được sự giúp đỡ của cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội trong việc tư vấn, chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Được tư vấn nên tôi không nuôi nhiều loại cá như trước kia và thả cá với mật độ thưa hơn. Nhờ vậy, vừa đỡ tốn thức ăn mà cá lại sinh trưởng, phát triển nhanh. Hiện cá đang đạt trọng lượng từ 500 – 600g/con, dự tính đến cuối tháng 12 cho thu hoạch, trọng lượng mỗi con đạt từ 1,2 – 1,4kg/con. Trừ chi phí, có thể thu gần 300 triệu đồng.

Mặc dù đối tượng cá nuôi không mới nhưng cách làm mới đã nâng cao nhận thức, hiểu biết, trình độ kỹ thuật của người nuôi cá, thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu từ quảng canh sang thâm canh tăng năng suất, giá trị, mở ra cách làm giàu cho người nông dân.

Sản xuất an toàn

Tham gia vào mô hình, các hộ phải cam kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản Hà Nội sẽ thường xuyên xuống từng hộ hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch bệnh, cách cho cá ăn, kiểm tra tốc độ sinh trưởng ở cá rô phi và giám sát, lấy mẫu phân tích về ATTP.

Ông Nguyễn Văn Hải cho hay: Nhờ chủ động trong công tác phòng chống bệnh cho thủy sản, triển khai đồng loạt, quy mô, nên cá ít bị bệnh hơn. Đặc biệt, người nông dân từ bỏ thói quen sử dụng thuốc bừa bãi cho thủy sản, không sử dụng các chất kháng sinh, tạo ra sản phẩm đảm bảo VSATTP phục vụ tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, giúp ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, khả năng mở rộng mô hình là rất lớn. “Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi liên kết để tạo thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị sản xuất” – ông Hải nhấn mạnh.

Mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi đã mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP, bước đầu tạo cho người nuôi thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần