Mô hình nuôi giun quế tại Thạch Thất: Nông dân không còn mặn mà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cách đây 4 năm, người dân xã Phú Kim, huyện Thạch Thất hy vọng bao nhiêu vào nghề nuôi giun quế, thì hiện nay, lại rất thất vọng. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu nuôi giun không còn, đầu ra khó khăn.

Năm 2008, biết được thông tin ở một số huyện của Hà Nội có mô hình nuôi giun quế đem lại thu nhập cao, Hội Nông dân xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) đã đưa nông dân sang xã Võng La (huyện Đông Anh) tham quan, học tập. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Kim Nguyễn Hoài Nhưng cho biết, ngay sau khi đi tham quan, học tập về, Hội đã vận động hội viên, nông dân thực hiện mô hình. Theo đó, đã có 20 hộ ở các thôn Thúy Lai, Phú Nghĩa, Ngoại Thôn triển khai nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Điển, chủ một trang trại chăn nuôi ở thôn Thuý Lai, xã Phú Kim, người đi đầu trong phong trào nuôi giun quế cho biết, năm 2009, gia đình ông bắt đầu nuôi giun quế với diện tích 50m2. Nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm đã giúp gia đình ông giảm được 30% chi phí trong chăn nuôi, tốc độ sinh trưởng nhanh nên đã rút ngắn được thời gian chăn nuôi. Trước đây, nếu chăn nuôi bằng cám công nghiệp, thời gian nuôi một lứa gia cầm là 90 ngày, nhưng chăn nuôi bằng giun quế kết hợp với cám công nghiệp thời gian rút ngắn xuống 70 - 75 ngày. Chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, gà, vịt lông mượt, thịt thơm ngon, sạch…

Hiệu quả từ mô hình nuôi giun quế đã được khẳng định, tuy nhiên, phong trào nông dân nuôi giun quế ở Thạch Thất đang lắng xuống. Hầu hết các hộ nông dân ở xã Phú Kim nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung đã không nuôi nữa. Ngay cả người đi đầu như ông Điển cũng bỏ nghề. Tìm hiểu được biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến mô hình này bị "khai tử", trong đó, nguyên nhân chính là nguồn thức ăn cho giun quế (phân trâu, bò) ngày càng cạn kiệt; quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ nên đầu ra cho sản phẩm giun quế gặp khó khăn... Ông Nguyên Kim Thành, nguyên Chủ tịch hội Nông dân xã Dị Nậu cho biết: Khi mới triển khai, nông dân xã Dị Nậu rất hào hứng với mô hình nuôi giun quế. Nhưng do khó khăn về đầu ra và không còn nguyên liệu chăn nuôi nên chỉ "trụ" được 2 - 3 năm, nhiều hộ đành phải chuyển nghề.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân là hướng đi đúng đắn của nhiều địa phương. Tuy nhiên, từ mô hình nuôi giun quế thất bại ở Thạch Thất cho thấy, chính quyền cấp huyện cũng như các cấp Hội nông dân đã chưa thực sự tìm hiểu kỹ khả năng phát triển của mô hình cũng như chưa sát sao trong việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường giúp người dân tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần