Mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy ở Gia Lâm: Điểm sáng cần nhân rộng

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, để hỗ trợ người nghiện ma túy sau khi cai nghiện trở về, huyện Gia Lâm đã có nhiều giải pháp nhằm giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, tìm được hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Khởi đầu từ Yên Viên
Xã Yên Viên nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, có diện tích tự nhiên 376,3ha, dân số hiện nay 14.442 nhân khẩu. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55,2 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất trên đất canh tác rau xanh đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm; 10/10 thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng, tổ dân phố văn hóa; xã không còn hộ nghèo… Song ít ai biết được, cách đây hơn 10 năm, nơi đây là địa bàn nóng của tệ nạn ma túy.
Để phòng chống và ngăn chặn tệ nạn này, huyện Gia Lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương một mặt vận động đưa người nghiện đi cai, mặt khác tìm mọi cách hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện trở về. Vào năm 2003 – 2004, Câu lạc bộ (CLB) B93 ở xã Yên Viên được thành lập với sự tham gia của 13 hội viên. Từ đó đến nay, CLB duy trì liên tục với số hội viên thường xuyên trên 10 người. Ông Bùi Văn Hiền – Cán sự Tệ nạn xã hội, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện, Chủ nhiệm CLB B93 xã Yên Viên cho biết, CLB B93 tập trung những người nghiện sau cai, sinh hoạt thành từng nhóm, giúp họ tái hòa nhập nhanh hơn, dễ hơn, không bị mặc cảm trong cuộc sống.
Một buổi tuyên truyền pháp luật tại huyện Gia Lâm.
Hiện tại, CLB có 13 hội viên, 100% là người địa phương, tham gia không thời hạn. Tối thiểu mỗi tháng, CLB sinh hoạt 1 lần tại Nhà văn hóa thôn Cống Thôn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND xã Yên Viên, Công an cụm Bắc Đuống, Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm… Mỗi buổi sinh hoạt, các hội viên được nghe thông báo về tình hình địa phương; được hỏi thăm, chia sẻ về tình hình cuộc sống của bản thân và được hỗ trợ giải quyết khó khăn khi cần.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Quốc Huy, đa số người nghiện sau cai tham gia CLB B93 đều tìm được công ăn việc làm theo sở trường của mình như các nghề gò, hàn, làm gỗ dán, chạy xe ôm... Có trường hợp lúc nghiện ma túy gia đình trục trặc, sau cai về tham gia CLB, có công ăn việc làm ổn định, gia đình lại êm ấm. Có trường hợp sau khi cai tham gia CLB rồi trở thành người kinh doanh giỏi, mặc dù đã chuyển nơi ở nhưng khi trở về vẫn nhiệt tình cổ vũ và tài trợ nhiều hoạt động của địa phương, trong đó có các giải bóng đá…
Toàn xã Yên Viên hiện có 21 người nghiện trong danh sách quản lý, trong đó 13 người sau cai đều tham gia CLB, số còn lại đang cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc tại gia đình và cộng đồng.
Hiệu quả từ những mô hình quản lý sau cai
Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm Bà Đặng Thị Thu Thủy cho biết, toàn huyện hiện có 370 người nghiện, trong đó số người nghiện có mặt tại cộng đồng là 259 người, vắng mặt 11 nguời, số người đang chấp hành cai tại các trung tâm là 68 người, số người nghiện đang ở các trường trại là 27 người. Toàn huyện không có tụ điểm về ma túy, mại dâm.
 Đường giao thông tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Thời gian qua, Phòng LĐTB&XH đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch về thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, đồng thời phối hợp cùng các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về công tác này. Hiện, trên địa bàn huyện có 2 CLB B93 ở hai xã Yên Viên và thị trấn Trâu Quỳ, bảo đảm việc sinh hoạt từ 1 – 2 buổi/tháng, vận động hội viên mới là những người nghiện sau cai tham gia sinh hoạt, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp.
Duy trì số hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt từ 8 – 10 người. Ngoài mô hình CLB B93, huyện Gia Lâm còn có mô hình phân công tổ chức, đoàn thể, cá nhân quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai tại nơi cư trú, còn gọi là tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện. Tổng số trên địa bàn huyện có 158 người được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai, trong đó có 52 công an xã, 5 người thuộc Hội phụ nữ, 17 người thuộc Hội Cựu chiến binh và 84 người thuộc các ban, ngành, đoàn thể khác…
Cũng theo bà Thủy, 100% đối tượng sau cai tại nơi cư trú đều có quyết định phân công quản lý. Người được phân công có trách nhiệm nắm bắt, theo dõi, đánh giá quá trình sau cai nghiện của đối tượng tại địa phương và thường xuyên báo cáo kết quả về Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm của xã, thị trấn. Người nghiện sau cai trở về được gia đình và địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về việc làm.
Trên địa bàn huyện, đa số người nghiện sau cai về đều có công ăn việc làm nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Đối với những người đã hoàn thành thời gian quản lý sau cai tại nơi cư trú không tái nghiện đều được cấp giấy chứng nhận hoàn thành sau cai đúng quy định.
Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm thường xuyên phối hợp với các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục - Lao động Xã hội, Trung tâm quản ý sau cai nghiện ma túy của TP nhằm tháp gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mặc trong quá trình thực hiện nghiệp vụ quản lý người nghiện. Từ đầu năm đến nay, Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tiếp cận, tuyên truyền, vận động được 474 người; tư vấn trực tiếp cho 110 người; quản lý, giúp đỡ 100 người; vận động 150 người ký cam kết không vi phạm tệ nạn ma túy…
Theo đánh giá của Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm, công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn huyện thời gian qua thường xuyên được các cấp ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm, tạo được dư luận tốt trong Nhân dân. Tuy nhiên, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn cũng còn một số khó khăn, bất cập, cần có sự đổi mới về cả cơ chế, chính sách và sự cố gắng, nỗ lực của bản thân người nghiện.

"Năm 2020, TP giao chỉ tiêu kế hoạch đi cai bắt buộc tại trung tâm cho huyện Gia Lâm là 25 người, đến nay tổ tư vấn đã duyệt được 16/25 người nghiện ma túy đi cai bắt buộc, đạt 64% kế hoạch TP giao. Ngoài ra, huyện cũng đã vận động được 40/60 người cai tự nguyện tại cơ sở cai nghiện của TP, đạt 66,6%; 20/28 người cai tại gia đình, cộng đồng, đạt 140% kế hoạch giao." - Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm Đặng Thị Thu Thủy


"Để mô hình CLB B93 xã Yên Viên tiếp tục phát huy hiệu quả, ngoài sự quan tâm của chính quyền còn cần sự cố gắng của Ban Chủ nhiệm CLB và các lực lượng tham gia. Trong đó, cần thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật; đưa ra các cảnh báo về tác hại của ma túy để các hội viên có nhận thức rõ hơn về vấn đề này." - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Văn Kỷ