Mở hướng tiếp cận mới trong xúc tiến xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Để tăng kim ngạch, mở rộng thị trường, trong thời gian tới DN cần thay đổi các tiếp cận mới trong xúc tiến xuất khẩu", đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2019” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4.

Tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trong những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Vị thế nguồn cung sản phẩm của Việt Nam đang dần khẳng định trên thị trường khu vực và thế giới, tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương.
Quang cảnh diễn đàn.
Phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài và hoạt động ngoại thương, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tiến bộ, tuy nhiên theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như cơ hội từ các FTA mang lại, đòi hỏi các DN phải chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng thị hiếu và tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng đó, DN cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối quốc gia khu vực và toàn cầu.
“Đừng nhìn xuất khẩu chỉ là thị trường. Trong xúc tiến xuất khẩu, điều cơ bản nhất vẫn là đối tác. Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến xuất khẩu, là tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào. Kinh tế thương mại ngày nay không còn chỉ lấy DN là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, là đại chúng và đám đông… đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã trao đổi, nhận định, đánh giá cơ hội và thách thức đối với DN vừa và nhỏ Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó nêu rõ, các DN xuất khẩu Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về rào cản hội nhập, thủ tục hải quan, yêu cầu chất lượng, chứng nhận, thông tin thị trường, bao bì và ghi nhãn sản phẩm. Cùng đó, DN chưa am hiểu sâu về luật pháp và thị trường nước ngoài với các quy tắc và quy định khác nhau…
Bên cạnh đó, hiện giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam chưa cao, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng gia công, chưa có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế.