Mở lại 6 đường bay quốc tế đến Việt Nam: Nhen nhóm cơ hội phục hồi du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT hoàn thiện phương án khôi phục 6 đường bay quốc tế sẽ là bước quan trọng vực dậy ngành du lịch trong thời điểm này. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam, DN du lịch cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình hoạt động, xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu thực tế.

 Khách du lịch tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

Bước khởi động quan trọng

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, 8 tháng qua, mặc dù hệ thống khách sạn 5 sao tổ chức nhiều chương trình giảm giá nhưng số lượng khách thuê phòng vẫn giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019, công suất phòng chỉ đạt khoảng 10,6%. Đơn cử như, khách sạn Lotte đạt 30%, Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%; Deawoo 7%...

Để cứu vãn tình trạng đìu hiu của ngành du lịch và dịch vụ, đầu tháng 9 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT hoàn thiện phương án khôi phục 6 đường bay quốc tế từ ngày 15/9, trong đó có các đường bay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đánh giá về đề xuất này, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Nguyễn Công Hoan phân tích, đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế là một giải pháp tốt và có ý nghĩa rất lớn với DN du lịch, bởi đây là bước đầu tiên để ngành du lịch khôi phục. Nếu chúng ta thành công ở bước đầu này thì mới có bước thứ hai, thứ ba làm cơ sở mở cửa sau này.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đề xuất mở cửa 6 đường bay quốc tế trực tiếp đến Việt Nam cho phép các chuyên gia, DN nước ngoài nhập cảnh vào làm việc sẽ là cứu cánh cho ngành du lịch. Lý do là bởi những chuyên gia, DN này sau những ngày làm việc sẽ có nhu cầu đi du lịch tại địa phương mà họ đang làm việc.

Doanh nghiệp cần tái cơ cấu

Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng cũng là “tấm lưới” sàng lọc DN yếu kém. Để có thể tồn tại và phát triển, đòi hỏi DN du lịch tái cơ cấu hoạt động, xác định thị trường khai thác trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, DN du lịch nếu đợi thế giới công bố hết dịch mới triển khai các hoạt động thì đã quá muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, DN phải đặt đảm bảo an toàn cho du khách lên hàng đầu; không nên chạy theo số lượng mà cần tính đến việc khai thác dòng khách có khả năng chi trả cao. Có như vậy là bởi, lượng khách quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến không thua kém so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... nhưng doanh thu trên mỗi khách chỉ đạt trên dưới 1.000 USD/người, còn Thái Lan thu 1.600 -1.700 USD/người.

Đứng ở góc độ chuyên gia, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên thời kỳ hậu Covid-19, chúng ta phải làm mới ngành du lịch. Cụ thể, chúng ta cần có chiến lược phát triển cụ thể, mang tính dài hạn, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, kích cầu mà nên chú trọng tái cấu trúc ngành du lịch bằng việc làm cụ thể, từ xác định thị trường, xúc tiến quảng bá và mở rộng các nước được miễn visa để thu hút khách. Đồng tình với phân tích này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn hiến kế: Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để tái cấu trúc là một giải pháp DN du lịch nên áp dụng. Cụ thể DN đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách xây dựng kế hoạch chiến lược và ứng dụng CNTT, qua đó thiết lập "hệ sinh thái du lịch thông minh". “Việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp DN tính toán được xu hướng nhu cầu của khách. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến "made in Vietnam" như: yeudulich.com, tripi.com, welcome.vn, ivivu.com… đã trở thành điểm nhấn về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh” - ông Anh Tuấn nêu rõ.

Ý kiến của chuyên gia cho thấy, để khôi phục hoạt động, đòi hỏi DN du lịch bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mới cần tái cơ cấu lại hoạt động, theo hướng cắt giảm tối đa các chi phí không đáng có, xác định lại phân khúc thị trường khách quốc tế đến Việt Nam du lịch kết hợp kinh doanh.
Chúng ta nên xây dựng một quy trình và bộ thủ tục để mở cửa thị trường. Bộ thủ tục đó bao gồm: Mở lại các đường bay và bảo đảm những đường bay này chỉ được phép khai thác chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế; đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh; thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất Covid-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm; thỏa thuận về việc cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam.
Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần