Mờ nhạt vai trò Hội đồng trường

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng trường (HĐT) giữ quyền cao nhất trong các trường đại học (ĐH) để quyết định những chủ trương của trường.

Nhưng hiện nay, tổ chức này dù được thành lập thì cũng mang tính hình thức.
Hoạt động còn mang tính hình thức
Luật Giáo dục quy định HĐT có vai trò quan trọng trong nhà trường, nhưng theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đến nay, rất ít cơ sở đào tạo thành lập được tổ chức này. Trong số 38 trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT quản lý chỉ có 16 trường thành lập HĐT. Thuộc Bộ LĐTB&XH, khoảng 30% các trường trong khối dạy nghề thành lập được HĐT. “Hoạt động của HĐT còn mang tính hình thức, chức năng của Chủ tịch HĐT còn chồng chéo” – bà Nghĩa nhận định. Điều này thể hiện rõ ở việc có những trường bầu Trưởng ban, Trưởng phòng làm Chủ tịch HĐT nên không làm được gì, khiến vai trò của Chủ tịch HĐT cũng như hoạt động càng mờ nhạt. Trong khi đó, rất nhiều trường ĐH công thường đi theo mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng quyết định mọi đường hướng hoạt động của trường. “Hiện ở Hà Nội có 12 trường thành lập được HĐT, nhưng chưa phát huy được vai trò” - Bí thư Đảng bộ Khối các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) Hà Nội Vũ Tuấn Dũng thông tin và khẳng định nguyên nhân từ người lãnh đạo, nhất là các trường tư thục - nơi thường xuyên "thuê" Hiệu trưởng. Theo ông Dũng, hiện nay, Bí thư kiêm Hiệu trưởng tự quyết và chịu trách nhiệm, nếu thành lập HĐT thì cần nghiên cứu vì hoạt động của tổ chức này vốn không hiệu quả.

Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân trên giảng đường.  Ảnh: Chiến Công

Ông Vũ Anh Linh Duy - ĐH Tài chính - Marketing cho hay: “Vai trò, chức năng của HĐT không rõ ràng, không đầy đủ. Quyền hạn của HĐT không được khẳng định trong cơ cấu tổ chức của hầu hết các trường. Mối quan hệ “Đảng ủy - Ban giám hiệu - HĐT” tại các trường còn chồng chéo, không rõ ràng”. Để hoạt động của HĐT được thực chất, các trường cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị trong lĩnh vực đào tạo theo hướng giao cho Phòng đào tạo thực hiện đúng chức năng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy định cụ thể về HĐT, mối quan hệ giữa HĐT và Đảng ủy trường.
Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường?
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam Trần Xuân Nhĩ, thành lập HĐT là để tránh sự độc quyền của lãnh đạo. Lâu nay, trong nhà trường có Bí thư lãnh đạo Hiệu trưởng, nên giờ “đẻ” ra HĐT có Chủ tịch là Trưởng phòng, Trưởng khoa chỉ là hình thức. “HĐT muốn hoạt động được, Chủ tịch phải có năng lực về chuyên môn, quản lý và uy tín đối với nhà trường và xã hội” – ông Nhĩ phân tích. Trước thực tế tại nhiều trường, Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng, ông Nhĩ cho rằng, đó là kiểu “tự tung tự tác’’ không ai có thể giám sát. Hơn nữa, Hiệu trưởng là người làm thuê, thực thi theo đường hướng của HĐT, còn Bí thư Đảng ủy là người lãnh đạo toàn diện nên không thể kiêm Hiệu trưởng. Tuy nhiên, việc này đang rất lúng túng vì khi ra cuộc họp ở HĐT, mối quan hệ Bí thư và Chủ tịch HĐT sẽ thế nào? “Chúng ta đang khó khăn trong cấu tạo HĐT và mối quan hệ của nó dẫn đến hoạt động của HĐT còn lúng túng” - ông Nhĩ khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, ông Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn cho rằng, trước tiên cần nhận thức đúng về HĐT. Nếu HĐT chỉ có chức năng tư vấn thì thành viên gồm những người có năng lực, trình độ, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, có tinh thần thẳng thắn là sẽ có những ý kiến đóng góp thực sự có giá trị. Đương nhiên, không nhất thiết người đó là ai; nhưng nếu HĐT ở các trường công lập là tổ chức đại diện cho Nhà nước đề ra chiến lược hoạt động, giám sát nhà trường việc thực hiện định hướng, chủ trương của HĐT thì cơ cấu phải khác. Trước tiên, Chủ tịch HĐT không phải do nhà trường quyết định, đồng thời phải cơ cấu một số thành viên ở ngoài trường tham gia vào HĐT nhưng ít nhiều có liên quan đến hoạt động của nhà trường. “Hiện nay, theo tinh thần của Luật Giáo dục, HĐT theo mô hình thứ hai mới thiết thực, hiệu quả. Trong đó có cả cơ cấu Hiệu trưởng, Bí thư và các thành phần khác. Mô hình này đã được chứng minh ở trường ĐH Công đoàn thành lập HĐT từ năm 2010, hoạt động khách quan và có chất lượng" - ông Sao nhấn mạnh.
Tới đây, Chính phủ cho phép phần lớn các trường ĐH tự chủ từ một phần đến toàn bộ. Tự chủ đối với các trường công lập là xã hội hóa. Làm được điều này rất cần thành lập HĐT. Chúng ta đã có sự chuẩn bị về pháp lý cũng như chủ trương của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, nhưng HĐT không phát huy được giá trị. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân. Phải làm rõ HĐT có vai trò như "Quốc hội của nhà trường", nhưng Đảng lãnh đạo tuyệt đối. Mối quan hệ giữa HĐT và Đảng thế nào? Nếu không giải quyết được HĐT với chức năng của nó, khó có thể thực hiện được tự chủ hóa hệ thống giáo dục.
GS.TS Trần Hồng Quân
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam 

Bản chất của HĐT là hội đồng cai quản. Mô hình này đã được sử dụng ở nhiều nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... Ở Việt Nam, trong Điều lệ trường ĐH đã nêu HĐT là cơ quan quản trị của nhà trường. Ở một số trường ĐH cũng có tổ chức “Hội đồng nhà trường” bao gồm Hiệu trưởng, các Trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, công đoàn, một số GS..., nhưng về bản chất đó vẫn là hội đồng hành chính.
GS.TS Phạm Phụ
ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh