Mở rộng cánh cửa Cộng đồng kinh tế ASEAN cho Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) là một trong ba trụ cột quan...

Kinhtedothi - Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community – AC). Hai trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (ASEAN Political-Security Community - APSC) và Cộng đồng Văn hóa và Xã hội ASEAN (ASEAN Social and Cutural Community - ASCC).

AEC giữ vai trò quan trọng trong AC, bởi lẽ, nó là trụ cột có thể huy động được sức mạnh đồng thuận cao, một phần do lĩnh vực kinh tế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tất cả các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, việc xây dựng AEC đang tạo ra cả cơ hội và thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là với những nước đi sau có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).  

Hội nhập khu vực và thế giới là con đường Việt Nam lựa chọn từ khi tiến hành Đổi Mới (1986). Cho đến nay, sau hơn 20 năm gia nhập ASEAN (1995-2016), ASEAN đã trở thành một ngôi nhà chung, vì vậy, việc hội nhập sâu hơn vào AC là lẽ đương nhiên và là cơ hội để Việt Nam phát triển toàn diện.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dự Hội nghị cấp cao người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN tại Malaysia.  Ảnh: Việt Nga
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn dự Hội nghị cấp cao người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN tại Malaysia. Ảnh: Việt Nga
Thứ nhất, tham gia AEC sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư, gia tăng kim ngạch thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện thu nhập

Một trong các mục tiêu của AEC là tạo ra một thị trường, một cơ sở sản xuất duy nhất. Điều này có nghĩa là cả 10 nước ASEAN sẽ trở thành một không gian chung cho các dòng đầu tư nội khối và từ ngoài khối. Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại gia tăng sẽ tạo động lực cho Việt Nam tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với cả trong và ngoài khu vực. Nhu cầu đầu tư và gia tăng thương mại sẽ tạo động lực cho tăng trưởng GDP, từ đó sẽ góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động.

Thứ hai, tham gia AEC sẽ góp phần giúp Việt Nam phân bổ nguồn lực (vốn, công nghệ, nhân lực…) hợp lý hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Việc xây dựng khối ASEAN trở thành một khu vực có tính cạnh tranh cao nhằm tạo ra sự năng động và hấp dẫn đối với thế giới. Điều này thúc đẩy các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực hạn hẹp của mình trong phát kinh tế.

Thứ ba, tham gia AEC sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách cơ chế chính sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc dân phù hợp hơn với tiến trình phát triển chung.

Để xây dựng AEC phát triển kinh tế đồng đều, các nước ASEAN sẽ hỗ trợ nhau để cùng phát triển, đồng nghĩa với việc các nước kém phát triển hơn sẽ phải vươn lên mạnh mẽ để đuổi kịp các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực cải cách cơ chế chính sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tận dụng tối đa khả năng ở những ngành nghề có thế mạnh, có sức cạnh tranh cao như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, vận tải, du lịch…

Thứ tư, tham gia AEC là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh cải cách, trở thành một quốc gia hội nhập và phát triển với trào lưu chung của khu vực và thế giới mà vẫn không đánh mất bản sắc của mình.

AC nói chung và AEC nói riêng cam kết sẽ là một khu vực luôn phấn đấu để có những giá trị chung có thể chia sẻ với thế giới. Do vậy, các nước ASEAN dù khá đa dạng về chế độ chính trị - xã hội và bản sắc văn hóa, vẫn có thể cùng chia sẻ chuỗi giá trị chung để cùng hưởng lợi.

Bên cạnh các cơ hội nêu trên, việc tham gia xây dựng AC nói chung và AEC nói riêng, cũng tạo ra một số thách thức không nhỏ đối với Việt Nam như sau.             

Trước hết, đó là thách thức về cải cách thể chế kinh tế cho phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ khi hội nhập hoàn toàn vào khu vực. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã mạnh dạn cải cách các doanh nghiệp Nhà nước, tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất và kinh doanh, cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, thuế, các thể chế hội nhập quốc tế, chú trọng nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp… Tuy nhiên, các cải cách của Việt Nam chưa triệt để, chưa đồng bộ và chưa đủ để có thể vận hành nền kinh tế theo đúng quy luật của giá trị, thị trường. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất khi tham gia vào AEC.

Thứ hai, thách thức về nguy cơ tụt hậu trong cạnh tranh. Mặc dù đã tiến hành cải cách nhiều năm, nhưng sức mạnh kinh tế, khoa học, công nghệ, giáo dục, năng lực kinh doanh của Việt Nam lại đang tỏ ra đuối sức so với các nước nội khối ASEAN. Hội nhập vào AEC sẽ càng làm cho Việt Nam thêm tụt hậu nếu chúng ta không thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.

Thứ ba, thách thức về sự hiểu biết để hội nhập vào AEC. Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết đôi chút về hội nhập vào AEC, còn lại khoảng 70% doanh nghiệp (phần lớn là loại vừa và nhỏ) rất thờ ơ và không có hiểu biết tối thiểu về hội nhập AEC. Về phía đội ngũ công chức Việt Nam, sự hiểu biết về AEC còn chiếm tỷ lệ thấp hơn dưới 30%. Thiếu kiến thức về hội nhập vào AEC sẽ đem đến sự thất bại trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp và khó khăn khi hội nhập với khu vực công.
Mở rộng cánh cửa Cộng đồng kinh tế ASEAN cho Việt Nam - Ảnh 1
Thứ tư, thách thức thu hút và giữ chân người tài và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khi AEC ra đời, lao động sẽ di chuyển khá tự do trong nội bộ ASEAN. Điều này sẽ khiến cho lao động Việt Nam có trình độ cao dễ “đầu quân” cho các nước khác trong nội khối, làm tăng nguy cơ “chảy máu” chất xám và đối mặt với sự cách biệt ngày càng xa hơn so với các nước dẫn đầu trong khu vực.

Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập vào AEC, Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng cần nhanh chóng triển khai và thực hiện một số giải pháp như: tuyên truyền và cung cấp đầy đủ thông tin về AEC cho khối các doanh nghiệp và công chức Nhà nước; cải cách thể chế kinh tế; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp theo dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong AEC; đối với TP Hà Nội, với tư cách là đầu mối và là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cần tích cực triển khai các giải pháp mạnh nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật của thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô, kết hợp với đổi mới thể chế kinh tế cho phù hợp với lộ trình, kế hoạch hành động và cơ chế vận hành của AEC.

Việt Nam tham gia AEC là cơ hội để chúng ta thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát triển đất nước. Để biến các khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển, cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng cần đoàn kết thành một khối thống nhất, biến ý tưởng hội nhập thành hành động thực tế, chú trọng ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế kết hợp với từng bước đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân và coi trọng chất lượng đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.