Mở rộng chăn nuôi trang trại ở Bình Yên

Bài, ảnh: Thiện Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển các mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế đang là hướng đi của xã Bình Yên, huyện Thạch Thất nhằm khai thác thế mạnh vùng đồi gò bán sơn địa.

Vài năm trở lại đây, trang trại của gia đình anh Phùng Ngọc Vĩnh, thôn Sen Trì, xã Bình Yên trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi. Trang trại rộng hơn 5,3ha, được quy hoạch bài bản thành từng khu trồng lan, cây ăn quả, đặc biệt là chuồng trại chăn nuôi lợn hương bằng phương thức thảo dược. Anh Vĩnh cho biết, trang trại đang chăn nuôi khoảng 400 con lợn hương thương phẩm, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn thịt hơi. Do không sử dụng cám công nghiệp lại có thời gian nuôi lâu 7 - 8 tháng nên lợn hương bán được với giá cao, khoảng 130.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
 Chăn nuôi lợn hương bằng thức ăn thảo dược tại trang trại của anh Phùng Ngọc Vĩnh, xã Bình Yên. 
Ngoài trang trại của anh Vĩnh, trên địa bàn xã Bình Yên còn một số mô hình chăn nuôi quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Đó là trang trại của ông Trịnh Văn Kim, thôn Phúc Tiến với quy mô 3,5ha nuôi trên 1.000 con lợn; trang trại của bà Hoàng Thị Thu Lê với diện tích 3ha nuôi trên 3.000 lợn thịt… Theo Hội Nông dân xã Bình Yên, với đặc thù là vùng đất đồi gò, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, trong những năm qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn, xa khu dân cư. Qua đó từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Hiện nay, toàn xã có gần 20 hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại tại địa phương và thuê đất của xã lân cận là Cổ Đông, thị xã Sơn Tây.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Yên Nguyễn Văn Sức cho biết, việc phát triển chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn dân cư sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh phòng dịch và môi trường. Chính vì vậy, Hội đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi và tăng cường xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó, trên địa bàn xã nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra, hiệu quả chăn nuôi đạt cao nhưng vẫn đảm bảo được điều kiện môi trường. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mô hình kinh tế trang trại, các hộ nông dân vẫn còn gặp một số khó khăn như đất đai manh mún, nguồn vốn hạn hẹp, giá cả thị trường không ổn định. Bên cạnh đó, khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Bởi vậy, để giúp nông dân tiếp tục phát triển kinh tế trang trại xa khu dân cư, cần phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ rủi ro cho người chăn nuôi. Đồng thời xây dựng các mô hình mẫu chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao, trên cơ sở đó nhân rộng ra nhiều hộ dân khác, đảm bảo phát triển bền vững.