Hà Nội mở rộng cửa đón sóng đầu tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, Hà Nội tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư (NĐT), các DN.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Thỏa thuận hợp tác cho nhà đầu tư Hàn Quốc tại Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc tháng 11/2019. Ảnh: Thống Nhất
Sóng đầu tư dồn dập đổ vào Hà Nội
Nếu như năm 2018, Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, thì năm 2019 thu hút đầu tư, cấp mới cũng tăng đáng kể cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư.
Trong năm 2018, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng (khoảng 17 tỷ USD). Nhiều DN lớn trong nước như Vingroup, BRG, T&T... và các tập đoàn nước ngoài như Hitachi, Sumimoto... lên nhận chứng nhận đầu tư. Các dự án này nằm trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi giải trí - thể thao, nhà ở, khu đô thị, giáo dục đào tạo.
Đến ngày 22/12, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 8,45 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 6,5 tỷ USD, là tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các năm từ trước đến nay, tổng vốn lũy kế đến nay đạt khoảng 42,5 tỷ USD với 5.955 dự án còn hiệu lực. Vốn thực hiện lũy kế giải ngân 26,5 tỷ USD, (khoảng 62,3%), dẫn đầu toàn quốc (khoảng 57%).
Trong đó, có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn. Các dự án lớn từ đầu năm 2019 đã đầu tư vào Hà Nội gồm: Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hongkong) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hongkong) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD. Gần đây nhất, tháng 10/2019, TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa của chủ đầu tư Charmvit (Hàn Quốc), với tổng vốn đăng ký 420 triệu USD. Dự án được triển khai ở huyện Sóc Sơn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Các lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất hiện là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin và truyền thông, xây dựng… TP ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ quản lý; các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Những thành quả thu hút vốn đầu tư của Hà Nội được nhiều nhà quản lý, giới chuyên gia đánh giá cao.

Tiên phong tạo lập môi trường kinh doanh
Cùng với điều kiện thuận lợi, kết quả thu hút FDI có được như hiện nay một phần còn nhờ Hà Nội luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo lao động. Bên cạnh đó, TP cũng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung vào đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài là những chủ đầu tư dự án thuộc ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.
Chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến thu hút đầu tư và cam kết tiên phong tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng DN. Những nỗ lực cải cách hành chính của TP. Hà Nội đã được cộng đồng DN ghi nhận thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 42 bậc trong 6 năm (từ vị trí 51 năm 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018).
TP tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; tăng cường, đổi mới xúc tiến đầu tư, xác định rõ các đối tượng trọng tâm, trọng điểm; tổ chức các hội nghị trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội với một số thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Đánh giá về quá trình triển khai dự án thành phố thông minh, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga (đơn vị kết hợp với Tập đoàn Sumimoto) bày tỏ, DN luôn nhận được sự quan tâm và hướng dẫn từ các cấp lãnh đạo TP và các cơ quan, ban, ngành.
Là một trong những NĐT mới tại Hà Nội, đại diện Dự án Indochina Energy Development của NĐT Thái Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký là 10 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn, khoa học công nghệ, cung cấp hoạt động tư vấn quản lý; Tư vấn đầu tư; Dịch vụ thi công, lắp đặt hệ thống điện; Hoạt động tư vấn kỹ thuật, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy việc đầu tư vào Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay rất triển vọng. Các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, cởi mở. Nguồn nhân lực về CNTT tại TP có chất lượng, hệ thống cơ sở hạ tầng, văn phòng, các dịch vụ bổ trợ…”.
TP khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Riêng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hà Nội luôn mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua, nhận chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh; tăng cường kết nối, đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu...
Một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô như phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: Giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công và các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng như dịch vụ CNTT, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic. Đây sẽ là tiền đề thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ theo Quy hoạch Phát triển Hà Nội trở thành TP Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần