Mở rộng đầu ra cho gà đồi Ba Vì

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi bền vững có đầu ra ổn định, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội đã kết nối các DN chuyên cung cấp nông sản an toàn đi thăm quan, giới thiệu để xúc tiến thương mại cho sản phẩm gà đồi tại huyện Ba Vì.

 Chăn nuôi gà đồi tại xã Thụy An, huyện Ba Vì.
Chăn nuôi gà đồi được phát triển từ nhiều năm nay và là thế mạnh của huyện Ba Vì. Hiện tại, quy mô chăn nuôi gà thịt của mỗi hộ từ 100 - 500 con, quy mô chăn nuôi trang trại từ 2.000 - 10.000 con, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng… Khác với chăn nuôi gà ở các vùng đồng bằng có diện tích đất nhỏ hẹp, gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối. Thức ăn cho gà ở giai đoạn đầu là thức ăn công nghiệp. Khi được 2 tháng tuổi, gà được nuôi bằng thức ăn phối trộn ngô, đỗ tương xay, dầu cá, bã bia và được thả rông trong vườn, đồi. Nhờ đó, thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành cho hay, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Bên cạnh bán gà thương phẩm, Hội cũng bán gà làm sẵn, khử khuẩn, đóng gói hút chân không. Hiện, sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. “Gà đồi Ba Vì vẫn đang được tiêu thụ tự do, chủ yếu qua thương lái với giá bán từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm gà đồi Ba Vì sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị lớn để người tiêu dùng Thủ đô được thưởng thức sản phẩm chính hiệu” – ông Thành chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long cho biết, khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho gà đồi Ba Vì vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ. Việc tổ chức cho các DN tham quan mô hình chăn nuôi, sản xuất gà đồi theo chuỗi an toàn, khép kín là cơ hội để giới thiệu và quảng bá rộng rãi đồng thời mở ra cơ hội xúc tiến thương mại cho sản phẩm này. Bên cạnh đó, để giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi, cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giữa người chăn nuôi với DN tới khâu bán lẻ, phân phối. Do đó, Trung tâm thường xuyên hỗ trợ Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội (số 33 Nguyễn Chí Thanh) nhằm mở rộng đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần