Mở rộng đối tượng hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Mong sớm được thực thi

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị mở rộng đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được hỗ trợ và nới các điều kiện cho DN vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Trao tiền hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Giáo viên trường ngoài công lập phấn khởi
Trong Tờ trình số 94/TTr-LĐTBXH, do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung ký, nêu rõ được sự thống nhất ý kiến của các bộ, ngành, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP. Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng, theo tình hình thực tế của diễn biến dịch. Thời gian hỗ trợ được tính từ ngày 1/2/2020 và không quá 3 tháng.

Khi biết được thông tin này, hiệu trưởng, giáo viên các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, tư thục hết sức phấn khởi. Bởi đại dịch Covid-19 bùng phát, từ tháng 2 đến hết 5/2020, nhiều trường đã phải cho giáo viên nghỉ việc vì học sinh ở nhà. Hiệu trưởng trường Tiểu học Anpha (huyện Hoài Đức) Đỗ Thùy Linh cho hay: Những tháng dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường hết sức khó khăn về nguồn kinh phí. Vì thế, dù rất cố gắng, trường chỉ hỗ trợ giáo viên 50% lương tháng 2; 3 tháng còn lại thì không có tiền để trả. Để tồn tại, thầy giáo dạy môn Thể dục phải đi lợp mái tôn thuê, những giáo viên khác về nhà giúp việc cho gia đình. Chúng tôi mong sớm được Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ LĐTB&XH để hỗ trợ và động viên tinh thần các thầy cô.

Sau khi Thủ tướng có Quyết định số 42 hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trường Mầm non Sao Mai Kitty (huyện Mê Linh) đã gửi danh sách thống kê các giáo viên bị ảnh hưởng nhưng chờ mãi không thấy ai hướng dẫn làm hồ sơ. Vì thế Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai Kitty (huyện Mê Linh) Nguyễn Thị Nhường đã rất phấn khởi khi lần này Bộ LĐTB&XH kiến nghị bổ sung cho giáo viên trường tư được hưởng gói hỗ trợ. “Nếu Thủ tướng ký quyết định đồng ý mở rộng đối tượng hỗ trợ thì tốt quá. Trong tháng 2, 3, 4 và 5/2020, 32 giáo viên và nhân viên của nhà trường đã phải nghỉ việc vì Covid-19. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi phải lấy tiền của gia đình, đi vay mượn để có gần 100 triệu đồng đóng bảo hiểm và hỗ trợ 1 triệu đồng/1 giáo viên” - bà Nhường nói. Trong khi đó, cô Nguyễn Thanh Th. – giáo viên mầm non ở huyện Mê Linh chia sẻ: “Trừ mỗi tuần có 2 buổi đến trường lau bàn ghế, cửa kính, thời gian còn lại tôi ở nhà bế con và bán hàng online nhưng chẳng được bao nhiêu. Các đồng nghiệp khác, có người nhận gấp hộp giấy, người về quê làm ruộng. Hiện nay, công việc đã trở lại bình thường nhưng nếu có thêm tiền hỗ trợ thì chúng tôi rất mừng”.

Có đến 200.000 DN được tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người tuổi từ 15 trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin, trong tháng 9/2020 đã có 7.150 NLĐ nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và có 7.571 lao động nhận quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cũng trong tháng 9, số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động là 6.421 chỉ tiêu. Do vậy, nhiều chuyên gia lao động đồng tình với việc Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bỏ điều kiện cho vay “đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động”; nâng thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ tính từ tháng 4 - 12/2020 để hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện khó khăn về tài chính cũng được sửa lại, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận dễ hơn: Người sử dụng lao động có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất giảm điều kiện được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch xuống còn 20%. Theo Bộ LĐTB&XH, đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn và hỗ trợ DN tiếp cận gói hỗ trợ tốt hơn trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Và, theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, sẽ có khoảng 70% DN đủ điều kiện. Trường hợp giả định có khoảng từ 30 – 70% DN tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 120.000 – 200.000 DN; sẽ có khoảng 3,2 - 5,4 triệu lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất, thì mỗi tháng số tiền đóng giảm từ 3.969 tỷ đồng đến 6.618 tỷ đồng. Kiến nghị này được các DN nhất là khối du lịch, dịch vụ lữ hành, khách sạn phấn khởi..

Đồng tình với đề xuất nới các điều kiện cho DN vay vốn, Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội Redtour Nguyễn Công Hoan nói: Do ảnh hưởng Covid-19 nên DN khó khăn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tồn tại và phát triển. Nhưng điều ông Nguyễn Công Hoan băn khoăn đó là, DN du lịch vay để trả lương cho NLĐ nhưng không biết khi nào thị trường hồi phục để hoạt động có doanh thu. Vì thế, ông Hoan mong muốn cùng với việc tạo điều kiện cho DN được vay tiền trả lương cho NLĐ, Nhà nước sẽ mở ra thị trường để tạo điều kiện “cứu” ngành du lịch. Nhà nước có thể dùng chính sách hoàn thuế VAT cho khách du lịch nội địa để kích thích tiêu dùng. Cùng với đó là thực hiện chính sách hỗ trợ trả góp không lãi suất để kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nhà nước nghiên cứu từng bước mở rộng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, cộng với các địa phương quảng bá điểm đến để du khách đến khi đó DN sẽ dễ dàng thu hút khách...

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15, các chuyên gia lao động đề nghị nếu đề xuất của Bộ LĐTB&XH được Thủ tướng phê duyệt, khi triển khai cơ quan nhà nước vẫn phải rút kinh nghiệm trong hoạt động của cả hệ thống. Nhất là cấp cơ sở để khắc phục những khiếm khuyết, thiếu sót và tiêu cực thời gian qua để gói hỗ trợ đến kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng và hiệu quả.

Việc Bộ LĐTB&XH trình CP mở rộng đối tượng được hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng là rất cần thiết. Trong đó bổ sung cả nhóm đối tượng mà đề xuất trước còn bỏ sót thể hiện tinh thần trách nhiệm, cũng như tư duy chính sách cụ thể, sát với thực tiễn hơn. Đặc biệt đề xuất điều kiện được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất theo hướng này sẽ giảm rất nhiều gánh nặng cho DN. Việc mở rộng đối tượng tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT là đúng và có tính khả thi vì rất dễ xác định khi thẩm định, phê duyệt hỗ sơ.

Đối với DN được tạm hoãn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuật cũng dễ xác định vì tiêu chí, điều kiện cũng rõ ràng, dễ thực hiện. Tuy nhiên, đối với DN được vay trả lương ngừng việc cho NLĐ, mặc dù điều kiện, hỗ sơ vay đã đơn giản hơn nhưng có thể nhiều DN vẫn không lựa chọn phương án vay dù không lãi suất vì đây vẫn là khoản nợ mà DN phải trả. Đó vẫn là gánh nặng mà DN phải đối mặt khi xây dựng phương án chuyển đổi hoặc khôi phục sản xuất.

TS Nguyễn Hữu Dũng – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH