Mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian gia hạn thuế theo Nghị định 41

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo và đề xuất điều chỉnh mở rộng đối tượng và thời gian, đồng thời kéo dài gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.

Tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến

Theo Bộ Tài chính, đến ngày 22/9, cơ quan thuế đã tiếp nhận 184.887 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó, có 128.619 DN đề nghị, chiếm khoảng 30% số DN thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 41.

Số hộ kinh doanh có giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuên đất là 56.268, chiếm khoảng 53% số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 22/9 có 66.713 tỷ đồng thuế, tiền thuê đất được gia hạn. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) được gia hạn là 31.929 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gia hạn là 30.563 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là 3.393 tỷ đồng; thuế GTGT và thuế TNCN của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn là 827,8 tỷ đồng.

Thực tế số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 66.713 tỷ đồng, so với con số dự kiến khi xây dựng chính sách là 180.000 tỷ đồng.
 Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian nộp thuế cho các đối tượng hoạt động SXKD. Ảnh minh hoạ.
Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến không có nguồn thu và không có lợi nhuận nên nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thuế GTGT và thuế TNDN giảm hơn so với năm trước.

Cới với đó, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến tình hình SXKD dẫn đến số lượng DN giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Một bộ phận doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn trong SXKD, số thuế phát sinh phải nộp không nhiều nên không nộp giấy đề nghị gia hạn.

Ngoài ra, đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có đặc thù là nộp thuế khoán, số thuế phải nộp hàng tháng, hàng quý không nhiều, việc gia hạn nộp vào thời điểm 31/12 sẽ dẫn đến số tiền bỏ ra một lúc lớn, vì vậy các hộ kinh doanh vẫn nộp thuế theo thời hạn quy định.

Mở rộng đối tượng được gia hạn

Trên cơ sở đánh giá thực tế thực hiện theo Nghị định 41, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh thời gian gia hạn, bổ sung đối tượng gia hạn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD.

Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng và thời hạn thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cụ thể là: Bổ sung đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động SXKD trong các lĩnh vực hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin. Các khoản thu được gia hạn gồm: Thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất như quy định tại Nghị định 41.

Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10, tháng 11/2020 đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng và kỳ tính thuế quý III/2020 đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý. Gia hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý III năm 2020. Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ thứ hai năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, với 3 sắc thuế, khoản thu nêu trên được gia hạn thì dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng. Thời gian gia hạn đối với các kỳ tính thuế từ nay đến cuối năm 2020 ít nhất là được 1 tháng, nhiều nhất là được 2 tháng.

Thực hiện theo phương án này không làm giảm số thu ngân sách trong năm 2020. Tuy nhiên, việc dồn vào thời điểm cuối năm người nộp thuế phải nộp số thuế lớn sẽ dẫn đến khó thu, nếu không thu được sẽ thành nợ đọng gây rủi ro trong quản lý và điều hành thu ngân sách.

Trường hợp Chính phủ thống nhất chủ trương nêu trên, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ cho phép ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, có ý kiến đề nghị kéo dài hơn nữa thời gian gia hạn sang năm 2021. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, xử lý theo phương án này sẽ làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội phê duyệt. Vì vậy, vượt thẩm quyền của Chính phủ và phải báo cáo Quốc hội.

Bộ Tài chính cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, qua đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời dự báo xu hướng giá dầu còn ở mức thấp. Trong khi đó, ngân sách vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Vì vậy trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, tổng hợp các kiến nghị của cơ quan, tổ chức và DN để nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể, đề xuất giải pháp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD và hỗ trợ thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần