Mở rộng đường Phạm Văn Đồng: Giải pháp bù đắp cho những hàng cây bị di chuyển

Anh Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường Phạm Văn Đồng được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, nối cầu Thăng Long với nút giao Mai Dịch. Khi chưa có cầu Nhật Tân thì đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm TP với Sân bay Nội Bài.

Tôi vẫn còn nhớ hồi mới xây xong con đường này thấy nó to lắm, thỉnh thoảng có xe tải và một ít xe chở người đi ra sân bay. Ngày đó Hà Nội còn rất ít xe máy, mà đường Phạm Văn Đồng là đường ven đô nên lại càng ít xe qua lại. Chỉ có những chiếc xe đạp kiểu trọng lượng bất đối xứng đi về phía Cổ Nhuế là nhiều. Thậm chí nhiều người còn nói đường rộng thênh thang mà phương tiện giao thông đi lại ít thế thì quá lãng phí. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giờ đây đường Phạm Văn Đồng đã trở nên quá chật chội, thường xuyên ùn tắc.
 
Hai bên đường Phạm Văn Đồng được trồng hầu hết là cây xà cừ và tồn tại đến hôm nay chủ yếu ở những đoạn không có nhà dân. Thực tế, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội quá ít và TP đang phải đầu tư, huy động các thành phần kinh tế tham gia phủ xanh TP, nên khi dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng có đề xuất phải chặt hai hàng cây bên đường ai cũng xót. Chắc chắn các đơn vị liên quan đã tính hết các phương án rồi, nhưng không có phương án thay thế. Không ai dại gì trục lợi từ việc "nhạy cảm" này, khi mà tất cả mọi người đang nhìn vào đó. Chính phủ, công ty hay gia đình luôn phải giải bài toán tối ưu đa mục tiêu. Cụ thể, ở dự án này mục tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường cây xanh, phát triển cơ sở hạ tầng... trong từng giai đoạn cụ thể thì sẽ phải ưu tiên những mục tiêu nhất định.

Hiện nay, trên đường Phạm Văn Đồng có hai dự án: Dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư và Dự án xây đường trên cao nối nút giao Mai Dịch với cầu Thăng Long do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Khi xong cả hai dự án thì đoạn đường này sẽ giống như đường Vành đai 3 trên cao hiện có. Nếu giữ nguyên hai hàng cây như một số ý kiến thì dự án đường trên cao sẽ bị đội giá và rất khó khăn trong quá trình thi công cũng như không đảm bảo an toàn trong việc khai thác sau này.
Một số ý kiến cho rằng, khi làm đường có thể chuyển những cây hai bên đường Phạm Văn Đồng về vườn ươm sau đó trồng vào các dự án làm đường khác. Tuy nhiên, theo tôi (một người đã từng đi đào đất) nhận thấy sẽ vô cùng tốn kém và cây đánh chuyển sẽ rất khó sống được.

Ngoài ra, có rất nhiều ý kiến muốn giữ hàng cây và đề xuất giải phóng mặt bằng sang chỗ khác để làm đường mới. Tôi xin thưa rằng hiện nay trên tuyến này được quy hoạch từ trước rồi nên chủ yếu là đất lưu không, việc đền bù giải tỏa không nhiều mà số tiền đó đã vào khoảng 1.820 tỷ đồng so với 820 tỷ giá trị xây lắp.

Là một người mỗi ngày phải đi qua đường Phạm Văn Đồng 4 lần, một đoạn đường có 5km nhiều khi phải mất đến 45 phút nhưng tôi vẫn chấp nhận, bởi tuyến đường là một phần của đường Vành đai 3, là cửa ngõ của Thủ đô nên lưu lượng xe rất nhiều. Để phát triển kinh tế - xã hội thì tất yếu phải phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo tôi, giải pháp để bù đắp cho những hàng cây bị di chuyển, chặt phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là: TP Hà Nội quy hoạch loại cây phù hợp để trồng mới trên vỉa hè con đường vừa mở rộng và công viên sẽ được xây mới gần Công viên Hòa Bình. Xã hội hóa trồng cây bằng cách kêu gọi các gia đình đến đó trồng và chăm cây theo đúng loại cây đã được quy hoạch. Nếu được phép tôi sẽ xin được trồng một cây và một tháng vài lần tôi sẽ đưa các con đến chăm sóc cây. Với các cháu việc chăm sóc cây sẽ là một trải nghiệm để biết được có được một cây xanh thì mất thời gian như thế nào. Điều đó có thể cho các cháu biết yêu quý cây xanh hơn và có thêm được hoạt động ngoài trời thay vì chỉ ngồi nhà xem TV và chơi game. Theo năm tháng cây và các cháu sẽ lớn lên với nhau. Tôi cũng tin rằng sẽ có rất nhiều người tham gia ủng hộ việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần