Mở rộng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Thời gian qua, các hình thức tuyên truyền, PBGDPL tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phong phú các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Trong năm 2017, UBND TP, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã tổ chức thành công các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức thi đa dạng, phong phú. Trong đó, cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015” đã thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ và Nhân dân trên địa bàn TP với hơn 420.000 bài dự thi, cao nhất từ trước tới nay.

Hội đồng PBGDPL TP đã tổ chức cuộc thi viết về “người tốt, việc tốt” trong thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trên Trang thông tin điện tử PBGDPL. Mục đích nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những gương người tốt, việc tốt của cán bộ, công chức, viên chức TP trong việc thực hiện kỷ cương hành chính, thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử tại công sở. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, thi hành công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Tuấn Kiệt

Trong năm qua, các cấp, các ngành của TP đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp Nhân dân về công tác phòng cháy, chữa cháy bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND TP tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” dưới hình thức thi sân khấu.

Ngoài ra, Sở Tư pháp phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thành công Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc; triển khai Cuộc thi trên địa bàn TP với số lượng học sinh tham gia lớn nhất cả nước. Qua 6 tuần thi có 141.486 lượt thí sinh của gần 250 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên dự thi.

Nhân rộng tổ hòa giải 5 tốt

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 23/11/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân ngay tại cơ sở, Sở Tư pháp phối hợp với MTTQ TP xây dựng văn bản hướng dẫn mô hình hòa giải 5 tốt và tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP. Một số quận, huyện tích cực triển khai mô hình hòa giải 5 tốt như Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Gia Lâm... Việc củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hòa giải, tổ trưởng và các hòa giải viên ở cơ sở đã được các địa phương triển khai thực hiện theo quy định. Đến nay, toàn TP có 5.357 tổ hòa giải với 33.802 hòa giải viên. Năm 2017, toàn TP đã tiến hành hòa giải thành 6.025/7.445 vụ việc, đạt tỷ lệ 81%.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Nội năm 2017 đã bám sát Kế hoạch của T.Ư và TP. Nội dung và hình thức PBGDPL thiết thực, phù hợp hơn với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới kết hợp giữa tuyên truyền tìm hiểu kiến thức pháp luật với kiến thức kỹ năng sống. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL đã được đẩy mạnh.

“Trong năm 2018, Hà Nội sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các nhiệm vụ trọng tâm của TP như: Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018; trật tự, văn minh đô thị; an ninh trật tự, an toàn xã hội, ATGT; phòng, chống cháy nổ. Đồng thời tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” - bà Hương cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần