Mở rộng mạng lưới các trường Unesco tại Việt Nam

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam tổ chức hội thảo mạng lưới các trường liên kết Unesco Việt Nam “Vai trò và đóng góp cho phát triển bền vững”.

Mạng lưới các trường liên kết của Unesco (ASPnet) là chương trình được khởi xướng hình thành từ năm 1953 với 33 trường của 15 nước thành viên. Mục tiêu mà Unesco đưa ra là giáo dục sự hiểu biết quốc tế; giáo dục quyền con người; giáo dục môi trường; giáo dục hòa bình và vai trò của các tổ chức quốc tế. Thông qua việc thực hiện các dự án và triển khai những nội dung giáo dục của Unesco nhằm tăng cường 4 trụ cột chính của giáo dục trong thế kỷ 21: Học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để cùng chung sống…
 Toàn cảnh hội thảo.
Sau 60 năm hoạt động, đến nay ASPnet thế giới đã có khoảng 10.000 trường ở 181 nước thành viên. Các trường ASPnet gồm các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS, dạy nghề và đào tạo giáo viên. ASPnet Việt Nam được thành lập và chính thức được Unesco công nhận năm 1995. Ban đầu mạng lưới chỉ có 4 trường tham gia, đến nay là 23 trường, trong đó tại Hà Nội 18 trường, 4 trường ở Quảng Ninh, 1 trường ở Hòa Bình (4 mầm non, 9 tiểu học, 7 THCS và 2 THPT, 1 trường tập huấn).
Chia sẻ tại hội nghị, Trưởng đại diện Unesco tại Việt Nam Michal Croft cho biết, đối với Việt Nam, kể từ khi thành lập năm 1995, mạng lưới ASPnet đã đạt nhiều thành tích và được mở rộng. Các hoạt động của ASPnet Việt Nam gắn liền với việc triển khai văn hóa hòa bình, tham gia các cuộc thi quốc tế, giao lưu, trao đổi với các mạng lưới ASPnet khu vực và quốc tế. Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng đánh giá vai trò, ý nghĩa của mạng lưới ASPnet đối với phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu,…
Khẳng định những lợi ích khi tham gia mạng lưới ASPnet, đại diện Ban thư ký Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam cho biết, đã tận dụng được các ý tưởng tiên tiến của thế giới nói chung và của Unesco nói riêng, nhất là các ý tưởng về giáo dục phát triển bền vững, học tập suốt đời, giáo dục công dân toàn cầu. Học hỏi kinh nghiệm từ các trường ở trong và ngoài nước, đặc biệt là việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức học tập. Tuy nhiên, khi thực hiện tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhận thức của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chưa cao, chưa ý thức được hết lợi ích của các trường khi tham gia vào mạng lưới ASPnet. Một khó khăn nữa, đó là chưa có nguồn kinh phí riêng cho hoạt động về ASPnet ở các bộ, ngành, các trường học; nhân sự thường xuyên biến động. Để khắc phục những khó khăn, Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam và Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch củng cố mạng lưới với các bước cụ thể: Hoàn thiện lại cơ cấu quản lý và điều hành; mở rộng quy mô…